Chàng trai khởi nghiệp ở tuổi 26 từ việc mất một nửa thị lực
(DNTO) - Kevin Choi, người sáng lập công ty dịch vụ chẩn đoán y tế MediWhale, tin rằng vấn nạn sức khỏe của anh “không phải là một điều tình cờ”.
Khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trong Thủy quân lục chiến Hàn Quốc, chế độ đào tạo khắc nghiệt đã khiến Kevin Choi nhận thấy mình gặp các vấn đề về sức khỏe.
“Tôi bị cận thị rất nặng, nhưng ban đầu vẫn tin rằng mình khoẻ mạnh”, Kevin Choi nói.
Nhưng tất cả bỗng thay đổi vào năm 2016, khi các bác sĩ chẩn đoán anh bị tăng nhãn áp - một căn bệnh mắt mãn tính, tiến trình này sẽ dần dần làm tổn hại thần kinh thị giác.
Tuy loại bệnh này thường diễn ra ở người lớn tuổi, Choi chỉ mới 26 tuổi khi được chẩn đoán.
Vào lúc đó, Choi đã mất thị lực hoàn toàn của mắt phải, và chỉ còn khoảng “60% đến 70% thị lực của mắt trái” - một việc có thể tránh khỏi nếu bệnh được phát hiện sớm.
Nhưng cùng trong năm đó, anh đã phấn đấu vượt qua nghịch cảnh và thành lập dịch vụ y tế của riêng mình, lấy tên Mediwhale.
Các trang thiết bị của Mediwhale có thể chẩn đoán nguy cơ bệnh tim mạch bằng cách chụp ảnh võng mạc và sử dụng trí thông minh nhân tạo để phân tích - một ứng dụng đầu tiên trong ngành, Mediwhale cho biết.
Chỉ với số vốn 5000 đô la, Kevin Choi khởi nghiệp cùng với chính bác sĩ nhãn khoa của mình, Giáo sư Tiến sĩ Tyler Hyungtaek Rim.
Choi tin chắc rằng việc anh được chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp “không phải là một điều tình cờ”. Với kiến thức được đào tạo là kỹ sư công nghiệp, Choi đã luôn nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo để chẩn đoán bệnh sớm.
“Chắc chắn đã có lý do nào đó khiến việc này xảy ra với tôi. Và tôi nghĩ rằng mình phải tự giải quyết vấn đề, bởi tôi là một kỹ sư”, Choi quả quyết.
Một giải pháp nhanh hơn
Trải nghiệm của Choi là một “chuyến hành trình dài của người bệnh”, khi anh đã phải chờ đợi rất lâu để có thể lấy kết quả chẩn đoán tại bệnh viện. Đây là một vấn đề mà Tiến sĩ Tyler Hyungtaek Rim cũng nhận thấy. Theo ông, quá trình chụp CT để chẩn đoán tốn rất nhiều thời gian, công sức, là “một gánh nặng cho ngành y tế và bệnh nhân”.
Thiết bị của Mediwhale hứa hẹn chỉ cần sử dụng một hình chụp võng mạc của hai mắt là đủ để có thể chẩn đoán nguy cơ bệnh tim mạch. Mediwhale tin rằng phương pháp của họ sẽ có độ chính xác tương đương với chụp CT mà chỉ tốn vài giây.
Thuyết phục các y bác sĩ
Thử thách lớn nhất của hai nhà sáng lập Mediwhale là thuyết phục các bác sĩ trong ngành rằng “đôi mắt chính là ‘cửa sổ’ vào cả cơ thể”, Choi kể lại.
Tiến sĩ Rim giải thích: “Đôi mắt là bộ phận cơ thể duy nhất mà ta có thể nhìn thấy các mạch máu mà không cần các biện pháp xâm hại”. Theo đó, các dấu hiệu thay đổi trong vi mạch máu ở mắt có thể được sử dụng để phát hiện những vấn đề về tim mạch hay thận. Những dấu hiệu thay đổi ở mạch máu mắt có thể xảy ra sớm hơn rất nhiều so với triệu chứng của bệnh.
Hành trình dài của người bệnh để chờ chẩn đoán đã là một trở ngại rất lớn. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn phải lo lắng trong khi chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để nhận kết quả ở bệnh viện.
Kevin Choi, nhà đồng sáng lập Mediwhale
Choi, nay đã là một vị giám đốc điều hành 31 tuổi, kể lại điều đã giúp ấn định uy tín cho Mediwhale là các nghiên cứu khoa học bình duyệt xác thực khả năng sử dụng hình chụp võng mạc trong chẩn đoán.
Công nghệ của Mediwhale đã được tán thành và đưa vào sử dụng ở châu Âu và hiện có mặt ở 7 quốc gia, trong đó có Anh Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Tuy công nghệ này vẫn đang chờ FDA tại Mỹ phê duyệt, 5 bệnh viện ở Arkansas đã bắt đầu đưa thiết bị của Mediwhale vào thử nghiệm.
Ngày nay, Mediwhale đã có thể huy động hơn 5 triệu đô la vốn, với đóng góp từ các nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới. Các tên tuổi nổi bật trong danh sách đó có hãng đầu tư Nhật Bản, SBI Investment, và BNK Venture Capital từ Hàn Quốc.
Giữ sự khiêm tốn
Đối với Choi, việc bị tăng nhãn áp đã đem lại cho anh một động lực để vượt qua trở ngại của cuộc sống và khởi nghiệp. Anh đã xem việc đem đến chẩn đoán bệnh sớm là một sứ mệnh bức thiết.
Ở mặt khác, dù đạt được nhiều thành công trong việc kinh doanh của mình, Choi vẫn cho rằng trải nghiệm của mình là một hành trình “khiêm tốn”.
“Y tế là một ngành đòi hỏi sự cẩn trọng. Mỗi cuộc trò chuyện với bác sĩ đều là một bài học quý giá” - Choi nói.
“Đối với tôi, việc giữ vững thái độ khiêm tốn là yếu tố rất quan trọng cho một nhà khởi nghiệp”.