CEO Trần Lệ Nguyên của KIDO trải lòng về chiến lược 'bắt trend' thị trường
(DNTO) - Bí quyết thành công của Chuk Tea & Coffee là gì và lý do vì sao KIDO buông tay mảng bánh kẹo, đã được Tổng giám đốc KIDO Trần Lệ Nguyên chia sẻ, chính là sự "bắt trend" thị trường.
Thị trường quan trọng số một
"Trong binh pháp, bạn muốn đánh trận thì phải hiểu thực địa của mình ở đâu, đối phương ra sao và trong kinh doanh cũng vậy, doanh nghiệp cần hiểu thị trường, hiểu đối thủ, từ đó mới đưa ra được chiến lược đúng cho doanh nghiệp", vị Tổng giám đốc của KIDO Trần Lệ Nguyên cho biết trong buổi talkshow về Xây dựng chiến lược kinh doanh kỷ nguyên 4.0 mới diễn ra.
Theo ông, hiện tại vẫn có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp làm sản phẩm theo sở thích mà quên mất nhu cầu thị trường, và điều này sẽ khiến con đường đến thành công của họ vất vả hơn rất nhiều. "Giống như bạn đi đường cao tốc chỉ mất hai mươi, ba mươi phút, nhưng bạn đi đường vòng sẽ không chỉ mất nhiều thời gian mà cả chi phí và công sức", ông cho biết.
Khi đã sai chiến lược, doanh nghiệp rơi vào cảnh bỏ cũng không được mà giữ không xong khi đã trót đổ tiền đầu tư. "Sản phẩm không phù hợp chỉ tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Nếu 10 đồng hao hụt 2, 3 đồng có thể vượt qua. Nhưng giờ đang trong giai đoạn khó khăn, với chính sách siết chặt tiền tệ của nhà nước, nguồn vốn tiếp cận khó hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài kia đang bão thì chúng ta cần kiếm nơi ít bão để trú", ông nhấn mạnh.
Chuỗi Chuk Tea & Coffee của tập đoàn cũng đã phải trải qua nhiều thay đổi nhờ "bắt trend" thị hiếu người tiêu dùng.
Ông Nguyên kể lại, ban đầu chuỗi có tên thương hiệu là Chuk Chuk với chiến lược phát triển tập trung vào sản phẩm trà sữa, trà trái cây... dựa trên thế mạnh sẵn có trong hệ sinh thái tập đoàn như sản phẩm kem, sữa và các loại bánh.
Tuy nhiên vào buổi sáng, doanh số của chuỗi hạn chế, vì vậy chuỗi bổ sung thêm sản phẩm cà phê để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng và kết quả, doanh số tăng 30-40%. Vào lúc 2 giờ chiều, là thời điểm khách vắng, chuỗi lại xây dựng sản phẩm trà chiều. "Mình phải biết xây dựng sản phẩm nào theo khung giờ để tăng doanh số lên và giảm chi phí xuống", ông cho biết.
Không chỉ thế, tên Chuk Chuk nghe có vẻ hơi teen quá, nếu bàn chuyện làm ăn không hợp nên doanh nghiệp lại đổi thành Chuk thì doanh thu lại tăng lên. Theo ông Nguyên, "quan trọng là mình chịu khó theo dõi từng chi tiết nhỏ. Chuk thành công do xây dựng chiến lược đúng".
Hiểu thị trường nhưng doanh nghiệp muốn thành công cũng cần áp dụng công nghệ chuyển đổi số, kiểm soát được mọi hoạt động doanh nghiệp qua dữ liệu số. Vị doanh nhân đặc biệt nhấn mạnh vai trò của số liệu, đặc biệt những con số trong hoạt động kinh doanh phải được báo cáo theo ngày, theo tuần, nhanh và sớm nhất có thể. Chiến lược doanh nghiệp luôn xuất phát từ số liệu và từ số liệu mới có thể có chiến lược tiếp theo.
M&A nếu có thể
KIDO là tập đoàn nổi tiếng với nhiều thương vụ M&A lớn và nhiều thương vụ đã mang lại quả ngọt cho tập đoàn này. Cụ thể, thương hiệu kem của KIDO khi mua có giá 1 triệu USD, giờ đã là 400 triệu USD, tăng 400 lần, thương hiệu dầu Tường An từ chỗ không nằm trong Top nào, nhưng giờ nằm trong Top ten và sức cạnh tranh lớn với nhiều thương hiệu lớn.
Nếu có tham vọng doanh nghiệp hãy tiến hành M&A, ông Nguyên cho biết. Đây cũng chính là định hướng của KIDO. Nếu trong nước không có công ty tốt đáp ứng được yêu cầu để mua lại thì tập đoàn sẽ sang các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan...
Thương vụ M&A giữa KIDO và tập đoàn Mondelēz International là một ví dụ. Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều đáng tiếc bởi đây khi KIDO đã bán đi mảng bánh kẹo, được cho nhiều dư địa phát triển để tập trung cho mảng dầu ăn. Tuy nhiên theo ông Nguyên, đây chính lại là cách thay đổi để thâm nhập thị trường.
Doanh số của mảng bánh kẹo khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng mỗi năm, nếu tiếp tục thì ngày nay doanh số mảng này sẽ chưa đến 7.000-8.000 ngàn tỷ, vì ngành bánh kẹo mỗi năm doanh số tăng chỉ 6-7%. "Nếu vậy hoài bão doanh nghiệp là thương hiệu tỷ đô thì phải khá xa mới đạt được", ông Nguyên chia sẻ.
Bánh kẹo chỉ mang tính thời vụ, tập trung vào mảng dầu ăn là biến thời vụ thành hàng thiết yếu, tuy không hiệu quả bằng nhưng ổn định, nên trong 2 năm dịch qua, doanh thu vẫn tăng trưởng 20-40%. Hiện mảng dầu ăn được doanh nghiệp đặt mục tiêu năm 2023 là 20 ngàn tỷ đồng, năm 2026 là 30-40 ngàn tỷ đồng.
Câu chuyện cuối cùng vẫn quay lại vấn đề hiểu được thị trường, hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, mấu chốt cho sự thành công và phát triển của doanh nghiệp.
Điều đặc biệt là sau khi bán mảng bánh kẹo, doanh nghiệp đã tạo ra 450 chục ngàn điểm bán sản phẩm cộng thêm 120 chục ngàn điểm lạnh, bán kem, tổng cộng với 570 chục ngàn điểm bán hàng, một lợi thế nổi trội, khiến nhiều tập đoàn nước ngoài muốn hợp tác cùng doanh nghiệp.
Cơ hội M&A cũng không nhiều nên doanh nghiệp cần nhanh nhẹn nắm bắt cơ hội và quan trọng nhất vẫn là sự tái cấu trúc để mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên thời điểm hiện tại đang khá khó khăn, các doanh nghiệp hãy nghĩ đến cách tồn tại hơn là các chiến lược để đi nhanh, "liệu cơm gắp mắm" là cần thiết. Theo dự đoán của ông Nguyên, có thể năm 2023 tình hình sẽ khả quan hơn.