Bất chấp những tác động của đợt dịch bệnh lần thứ 4, trong bối cảnh vừa chống dịch vừa phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, KIDO vẫn có kết quả kinh doanh thành công, doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nhân Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO đã chia sẻ với Tạp chí Doanh Nhân Trẻ về cách mà doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua.
Kiểm soát, phòng, chống dịch Covid -19 cho công nhân chính là bảo vệ cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chỉ cần để xảy ra sai sót, có người bị mắc Covid -19 sẽ khiến các nhà máy bị đóng cửa. Chính vì vậy, chúng tôi thực hiện quyết liệt ngay từ đầu".
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO
Điều chuyển nhanh chóng các chiến lược kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh
PV: Nhiều tập đoàn lớn gặp khó do dịch bệnh, tuy nhiên KIDO vẫn đạt tăng trưởng doanh thu tốt. Theo ông, mấu chốt lớn nhất giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn trong thời gian qua là gì?
Ông Trần Lệ Nguyên: Kiểm soát, phòng, chống dịch Covid -19 cho công nhân chính là bảo vệ cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chỉ cần để xảy ra sai sót, có người bị mắc Covid -19 sẽ khiến các nhà máy bị đóng cửa. Chính vì vậy, chúng tôi thực hiện quyết liệt ngay từ đầu.
Dù gặp không ít khó khăn khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, tuy nhiên với những kinh nghiệm đã có trong những đợt dịch trước, nên lần này chúng tôi hoạt động trong tâm thế vững vàng hơn và thận trọng hơn.
Ngay từ những ngày đầu dịch bắt đầu bùng phát, chúng tôi đã triển khai khẩn cấp những cuộc họp lấy ý kiến, đánh giá về tình hình dịch để kịp thời đưa ra các biện pháp chăm lo cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) từ việc tiêm phòng vaccine, xét nghiệm Covid-19, thực hiện nghiêm ngặt biện pháp 5K, bố trí CBCNV làm việc tại nhà hay việc nhanh chóng triển khai biện pháp “3 tại chỗ” làm việc tại các nhà máy đều đã được thực hiện từ rất sớm.
Bên cạnh đó, để chủ động trước tình hình dịch bệnh, chúng tôi tự thành lập team phản ứng nhanh với Covid-19 tại tập đoàn, xây dựng quy chế nội bộ nhằm xử lý, kiểm soát hoạt động và dịch bệnh trong phạm vi công ty.
Với team phản ứng này, chúng tôi chọn lọc thành viên từ các phòng ban và chúng tôi cho rằng, bản thân mỗi công ty sẽ hiểu rõ hoạt động của mình nhất, có cách xử lý, phòng dịch tốt nhất, kết hợp nhanh chóng với địa phương nếu có ca nhiễm cũng như phối hợp đồng bộ với các cơ quan chức năng hiệu quả nhất.
Đối với hoạt động kinh doanh, tôi cùng Ban điều hành Tập đoàn liên tục theo dõi diễn biến thị trường trong nước và trên thế giới, cập nhật liên tục các biện pháp chống dịch của Nhà nước để điều chuyển nhanh chóng chiến lược kinh doanh tại từng địa phương để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Bằng những nỗ lực trong việc triển khai các biện pháp phòng dịch kết hợp mục tiêu gia tăng sản xuất nên doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2021 của KIDO đạt 4.898 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 42,6% kế hoạch năm.
Chúng tôi may mắn hơn những doanh nghiệp khác khi vẫn còn hoạt động và sản xuất
Khó khăn lớn nhất của KIDO là gì khi phải vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất thưa ông?
Ông Trần Lệ Nguyên: Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, KIDO may mắn hơn những doanh nghiệp khác khi vẫn còn hoạt động và sản xuất. Dù vậy, chúng tôi đã phải đối mặt với những khó khăn khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của các ngành nghề liên quan. Với ngành dầu, trước sự tăng đỉnh điểm của giá dầu thế giới, KIDO đã hứng chịu những tác động không nhỏ. Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chỉ số đo lường giá dầu ăn và thực phẩm đã tăng 12% trong quý I và tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Giá dầu thực vật đang ở vùng đỉnh 9 năm, dầu hạt ở vùng đỉnh 7 năm.
Bên cạnh đó, việc thực hiện biện pháp 3 tại chỗ đồng nghĩa với việc chúng tôi phải gồng gánh thêm những chi phí phát sinh như: chi phí sinh hoạt cho nhân viên, xét nghiệm Covid-19 hàng tuần, nguồn lương cho CBCNV, chi phí vận chuyển…
Trong những tháng qua, ngành hàng kem phải đối mặt với thách thức khắc nghiệt nhất từ trước đến nay khi đại dịch tác động đến các hoạt động của nền kinh tế, xã hội… Các giải pháp chống dịch được thực thi bởi Chính phủ đã tác động mạnh đến kênh bán hàng tại các khu du lịch, nhà hàng, trường học.... khiến doanh số của chúng tôi sụt giảm đột ngột.
Chúng tôi vẫn cần phải tăng tốc để về đích đúng theo kế hoạch
Vậy kết quả kinh doanh quý 3 của KIDO thế nào thưa ông?
Ông Trần Lệ Nguyên: Hiện chúng tôi chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3. Tuy vậy, dựa theo báo cáo kết quả kinh doanh mà tôi nhận được cho thấy, doanh thu thuần của Tập đoàn trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 6.647 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 355 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là con số khả quan, ghi nhận những nỗ lực của Ban lãnh đạo cùng toàn thể CBCNV của Tập đoàn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cần phải tăng tốc để về đích theo kế hoạch.
Doanh nghiệp phải phản ứng nhanh để thích ứng sau đại dịch
Dịch bệnh chắc chắn khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Với KIDO thì sao, thưa ông?
Ông Trần Lệ Nguyên: Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân người tiêu dùng. Doanh nghiệp tất nhiên phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân.
Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, ngành thực phẩm được dự đoán sẽ là một trong những ngành được người tiêu dùng đón nhận và có sức tiêu thụ lớn. Vì vậy, chúng tôi đã có những bước chuẩn bị từ nguyên liệu cho đến thành phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao của người tiêu dùng sau dịch.
Bên cạnh việc phát huy thế mạnh của những kênh phân phối truyền thống và thương mại vốn được xem là thế mạnh cốt lõi của KIDO, để đáp ứng nhu cầu còn e ngại ra đường của người tiêu dùng, chúng tôi sẽ phát triển kênh phân phối online phù hợp với một số ngành hàng tương ứng, đào tạo đội ngũ shipper chuyên nghiệp, đồng thời kết hợp với các nền tảng online để phục vụ tốt nhất cho khách hàng.
KIDO đã, đang và sẽ luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn
Được biết KIDO là một trong những doanh nghiệp có nhiều hoạt động từ thiện xã hội trong thời gian qua. Ông có thể chia sẻ thêm về các hoạt động này?
Ông Trần Lệ Nguyên: Không chỉ trong lúc dịch bệnh mà ngay cả lúc bình thường thì hoạt động thiện nguyện, hướng tới lợi ích cộng đồng luôn được chúng tôi quan tâm và chú trọng, bởi tôi cho rằng một doanh nhân, doanh nghiệp muốn phát triển phải gắn liền với trách nhiệm xã hội.
Vì vậy, bên cạnh việc tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo cho đời sống, sức khỏe CBCNV, KIDO cũng đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động cứu trợ, thiện nguyện tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành. Như: Đồng hành và hỗ trợ 10.704 chai dầu ăn Olita cho chương trình “Siêu thị mini 0 đồng” do Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức; trao nhu yếu phẩm trị giá 309 triệu đồng cho các khu cách ly trên địa bàn tỉnh Bình Dương; ủng hộ 37.000 chai dầu ăn Olita cho chương trình hỗ trợ khẩn cấp người dân có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Hồ Chí Minh; tài trợ 400 túi thuốc an sinh cho chương trình Sài Gòn thương nhau; tài trợ cho chương trình ATM Oxy…
Tôi mong rằng những hoạt động như thế cần được phát huy và nhân rộng. Riêng Tập đoàn KIDO đã, đang và sẽ luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
"Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, ngành thực phẩm được dự đoán sẽ là một trong những ngành được người tiêu dùng đón nhận và có sức tiêu thụ lớn. Vì vậy, chúng tôi đã có những bước chuẩn bị từ nguyên liệu cho đến thành phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao của người tiêu dùng sau dịch".
Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO Trần Lệ Nguyên