Cắt giảm, đơn giản hoá 70% thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn thực phẩm
(DNTO) - Đến nay, một trong những thành quả của công tác cải cách hành chính của Bộ NN&PTNT là cắt giảm, đơn giản hóa trên 70% điều kiện kinh doanh. Điều này góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo yêu cầu Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian qua có một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 38, Thông tư 48 và Thông tư số 16 như: Một số biên bản thẩm định, mẫu báo cáo, cách cấp mã số cho cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản xuất khẩu cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý.
Do vậy, việc xây dựng và ban hành “Thông tư sửa đổi, bổ sung một số thông tư quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT” là cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) và bảo đảm tính hợp pháp.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, mục đích của dự thảo nhằm quy định thành phần hồ sơ, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận ATTP quy định tại Luật ATTP cũng như giải quyết được các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.
Cụ thể, đến nay, số lượng điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa là 251/345 điều kiện (chiếm tỷ lệ 72%), trong đó bãi bỏ 115 điều kiện, sửa đổi 136 điều kiện. Theo đó, ước tính tổng chi phí tiết kiệm được từ việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là 46,42 tỷ đồng/năm, tương đương 339.720 ngày công/năm. Tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT hiện hành là 272 điều kiện.
Số lượng văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để cắt giảm điều kiện kinh doanh giai đoạn 2016-2020 là 11 văn bản (trong đó có 4 luật và 7 nghị định).
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, bộ cũng nỗ lực rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 288/508 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của bộ (trong đó có những thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện).
"Kết quả cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đã góp phần khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn', Bộ NN&PTNT thông tin.
Riêng năm 2021, bộ tập trung thực hiện nhiệm vụ: Rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi; xây dựng, soạn thảo các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được bổ sung theo Luật Đầu tư 2020.
Đến nay, bộ đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát các điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực nông nghiệp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung 1 luật (Luật An toàn thực phẩm), 4 nghị định của Chính phủ (trong đó có 1 nghị định do Bộ NN&PTNT chủ trì), 1 thông tư của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành (Công văn số 2874/BNN-PC ngày 18/5/2021).
Xác định cải cách hành chính là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội, theo đó, việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh, quy định thủ tục hành chính vẫn được bộ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải triển khai trong thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ.