Cần có 'luồng xanh' cho vận chuyển, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang
(DNTO) - Tiêu thụ nông sản mang tính cấp bách, chậm vài giờ là chất lượng nông sản giảm và giá cả cũng xuống theo nên cần có cơ chế vận chuyển nhanh nhất.
Tỉnh Bắc Giang đang vào thời điểm thu hoạch vải thiều, trong đó sản lượng vải chín sớm ước đạt 45.000 tấn vải, chính vụ ước đạt 135.000 tấn. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ vải trong thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, ngành nông nghiệp và tỉnh Bắc Giang kiến nghị Chính phủ cần có chính sách tạo “luồng xanh” từ vùng nguyên liệu đến cửa khẩu biên giới.
Từ ngày 10/6 tới, vải thiều Bắc Giang sẽ vào chính vụ thu hoạch và được đánh giá tiếp tục được mùa, với sản lượng ước đạt khoảng 20.000 tấn vải cần tiêu thụ mỗi ngày. Do sản lượng lớn thời gian thu hoạch ngắn khó bảo quản nên gặp áp lực cần tiêu thụ nhanh.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân dự kiến, sẽ tiêu thụ khoảng 2.000 tấn vải gấp đôi so với năm 2020.
“Do tình hình dịch bệnh, HTX thu mua vải tại vườn. Hệ thống phân phối của HTX tập trung vào thị trường trong nước và các hệ thống siêu thị. HTX hiện đã lập phương án để có thể giao trực tiếp với khách hàng thông qua trang web giao dịch online và các hệ thống siêu thị đến hỗ trợ ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”, ông Dũng cho biết.
Trong bối cảnh dịch bệnh của Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài, hiện nay có nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia liên kết tiêu thụ vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Bà Phạm Huyền Trang, Công ty CP Dịch vụ thương mại Vincommerce cho biết, Vincommerce đã làm việc trực tiếp với các hộ nông dân của tỉnh Bắc Giang, hết sức hỗ trợ việc lấy hàng từ nguồn nguyên liệu tại huyện Lục Ngạn và đưa đến hơn 2.500 điểm bán trên toàn quốc trên tinh thần tiêu thụ sản lượng tối đa phục vụ người tiêu dùng.
Từ khi bắt đầu có dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh Bắc Giang đã tăng cường kết nối tất cả các nguồn để xúc tiến tiêu thụ vải tại thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó phương án tiêu thụ nội địa 70% và xuất khẩu 30%. Trước đó, tỉnh Bắc Giang đã khoanh vùng kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương trồng vải có diện tích lớn là Lục Ngạn, Tân Yên.
Ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, những người tham gia vào chuỗi thu mua, vận chuyển, tiêu thụ vải thiều cũng như nông sản đều được kiểm soát và quản lý chặt chẽ về yếu tố dịch tễ, thường xuyên được xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ.
“Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch để kiểm soát tốt lực lượng tham gia vào sản xuất cũng như thu hoạch vải. Lực lượng chức năng chủ động lấy mẫu xét nghiệm của người nông dân và các thương lái đến thu mua quả, lập bộ hồ sơ chứng minh các khâu, các quy trình đảm bảo dịch bệnh. Sở NN&PTNT cũng đã chủ động hướng dẫn các địa phương về các quy trình rút an toàn, đặc biệt quan tâm áp dụng các quy trình Vietgap Globalgap để làm sao cho chất lượng vải thiều tốt nhất”, ông Tùng khẳng định.
Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, địa phương đang gặp hai vấn đề khó khăn trong tiêu thị vải thiều. Theo đó, đáng lo ngại là mỗi lần xe chở vải của tỉnh Bắc Giang qua các chốt, trạm lại yêu cầu kiểm tra, xuất trình giấy tờ, xét nghiệm nhanh Covid-19 nên kéo dài thời gian chờ đợi. Nếu qua hàng chục trạm từ Bắc vào Nam thì thời gian bảo quản, tiêu thụ vải thiều không đảm bảo.
Trước vấn đề này, tại cuộc làm việc mới đây với tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần giảm kiểm tra chi tiết hồ sơ, thực tế hàng hóa cho việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản qua biên giới, trong đó tạo “luồng xanh' thuận tiện cho vận chuyển, tiêu thụ nông sản.
“Bộ NN&PTNT tìm hiểu và sẽ kiến nghị Chính phủ để tạo một luồng xanh thông suốt từ vùng nông sản ra cửa khẩu biên giới. Nông sản qua mỗi địa phương có một quy định khác nhau, trong khi tiêu thụ nông sản mang tính cấp bách, chậm vài giờ là chất lượng nông sản giảm và giá cả cũng xuống theo. Rất cần thiết phải kích hoạt luồng xanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và phương tiện vận chuyển để đưa hàng đến biên giới nhanh nhất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.
Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến ngày 31/5, toàn tỉnh thu hoạch được gần 20.000 tấn vải sớm. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 7.000 tấn, Nhật Bản 30 tấn vải sớm. Giá vải dao động từ 20.000 – 35.000 đồng /kg. Trong tháng 6, Bắc Giang dự kiến thu hoạch 130.000 tấn; tháng 7 thu hoạch 30.000 tấn…
Thị trường truyền thống của vải thiều là Trung Quốc, nhưng năm nay thương nhân của nước này không sang được Bắc Giang thu mua đã ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ. Bên cạnh các kịch bản tiêu thụ vải trong tình hình dịch bệnh, tỉnh Bắc Giang còn chủ động các phương án chế biến, bảo quản như xây dựng lò sấy khô trong trường hợp nông sản tiêu thụ khó khăn.