Các doanh nghiệp tranh nhau đặt hàng robot tự động trong bối cảnh thiếu hụt lao động toàn cầu
(DNTO) - Các công ty Bắc Mỹ đã đặt hàng gần 29.000 robot trong 3 quý đầu năm 2021, biến đây trở thành năm thành công nhất của ngành công nghiệp này từ trước tới nay.
Trong khi Bắc Mỹ ghi nhận số lượng ca mắc Covid tăng trở lại, tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông đang ngày một trầm trọng thì chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, các đơn đặt hàng robot phục vụ công việc vận chuyển, dịch vụ ghi nhận số lượng gia tăng kỷ lục.
Những con số biết nói
Theo ghi nhận của tờ The Wall Street Journal, một số công ty chuyên sản xuất robot vận chuyển, robot bảo vệ như Boston Dynamics, đã ghi nhận số lượng đơn đặt hàng tăng hơn 200% so với trước đại dịch. Các đơn đặt hàng robot của các công ty Bắc Mỹ hầu hết rơi vào nhóm ngành vận chuyển, kỹ thuật, kho bãi hoặc bảo dưỡng. Đặc biệt, quý III năm nay được xem là quý thành công nhất của nhiều doanh nghiệp.
Theo thống kê sơ bộ từ WSJ, tổng doanh số bán robot trong 9 tháng đầu năm là 1,48 tỷ USD, vượt qua mốc kỷ lục trước đó là 1,47 tỷ USD, được thiết lập cùng kỳ năm 2017. Cũng theo một số liệu khác đến từ Hiệp hội Tự động hóa Tiến bộ (A3), cho biết mức doanh thu từ thị trường này đã tăng mạnh từ 1,09 tỷ đô la trong chín tháng đầu năm ngoái.
Có thể thấy, mức tăng trưởng này không phải ngẫu nhiên, hay đến từ tác động nhất thời của đại dịch Covid-19. Theo bảng khảo sát đến từ A3, rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ đã tiết kiệm được hơn hàng chục triệu đô la chi phí quản lý, thuê nhân viên vận chuyển và chi phí khám chữa bệnh cho nhân viên trong hai năm qua. Thời gian hoạt động của robot vận chuyển có thể kéo dài từ 10-12 tiếng liên tục, mà không cần khoảng thời gian nghỉ, so với thời gian làm 8 tiếng của một nhân viên trung bình.
Tuy chi phí ban đầu có thể cao, nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp vận tải, vận chuyển thực phẩm hoặc đồ gia dụng, doanh nghiệp bảo vệ có thể tiết kiệm từ 20-30% chi phí nhân sự và chi phí quản lý. Điều này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh phần lớn công ty đang đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, nhất là tại các tiểu bang có lượng hàng xuất khẩu lớn như Texas hay Los Angeles.
Tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Amazon cũng công bố một bản kế hoạch mới nhằm cải tổ hệ thống nhân sự và tập trung vào hệ thống tự vận hành nhiều hơn so với trước đây. Theo kế hoạch đó, tập đoàn sẽ sắm thêm 2000 robot chuyên phục vụ nhu cầu vận chuyển trong nội đô, bên cạnh triển khai một đội drone điều khiển từ xa để vận chuyển hàng hoá đến những khu vực hẻo lánh, xa xôi hơn. Kế hoạch đầu tư ban đầu có trị giá ước tính lên tới 10 triệu đô này có thể tiết kiệm cho Amazon trên 50 triệu đô mỗi năm (phần lớn thuộc về phí trả lương và các phúc lợi).
Tuy nhiên, những tín hiệu khả quan đó vẫn khó có thể che lấp những điểm hạn chế của robot trong công việc.
Những thách thức khi phải đối mặt với lực lượng lao động
“Với tình trạng thiếu lao động trong toàn bộ ngành sản xuất, hậu cần và hầu hết mọi ngành, các công ty thuộc mọi quy mô đang ngày càng chuyển sang chế tạo robot và tự động hóa để duy trì năng suất và khả năng cạnh tranh”, Chủ tịch A3, Jeff Burnstein cho biết. Dữ liệu của A3 xem xét nhóm ngành sử dụng robot công nghiệp, thường được sử dụng để lắp ráp các bộ phận hoặc vận chuyển vật liệu nặng trong các cơ sở sản xuất. Nhưng từ năm 2019, hiệp hội đã bổ sung thêm danh mục robot vận chuyển, robot bảo vệ vào danh sách các loại robot sản xuất nhiều và có vai trò quan trọng.
A3 cho biết, các công ty đã đặt hàng gần 29.000 đơn vị robot trong chín tháng đầu năm. Theo hiệp hội, tốc độ tăng trưởng trong các đơn hàng tự động đã tăng nhanh hơn so với các đơn hàng liên quan đến ôtô. Tuy nhiên, yếu tố này lại liên quan tới các đơn hàng robot thay thế cho một bộ phận công việc nhất định, chứ không hoàn toàn liên quan tới việc thay thế hoàn toàn chức năng vận hành của con người.
Nhiều công ty Hoa Kỳ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công trong bối cảnh thiếu lao động trên toàn quốc, và một số nhà kho đã chuyển sang sử dụng robot để hỗ trợ hoạt động. Ví dụ, FedEx Corp hiện đang sử dụng robot để giúp phân loại các gói hàng.
“Vẫn có rất nhiều yếu tố trong công việc mà công nghệ robot hiện hành chưa thể đáp ứng hoàn toàn được. Có lẽ trong thời gian tới, giai đoạn hậu đại dịch sẽ đánh dấu một cuộc thay đổi lớn về mặt cơ cấu hoạt động tại Bắc Mỹ. Khi mà các tập đoàn tập trung chuyển dịch công việc nặng sang cho robot, người lao động sẽ phải cải tiến kỹ năng nhiều hơn để tham gia quá trình vận hành chúng”, Chủ tịch A3 cho biết thêm.
Các công ty đã đặt hàng 9.928 robot trong quý 3 và 6.302 trong số đó là từ các ngành công nghiệp không đầu máy, A3 cho biết. Sự tăng trưởng này đã thúc đẩy toàn ngành đi lên, với mức tăng trưởng hàng năm gần gấp ba lần. Đứng sau kim loại là ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng, với mức tăng trưởng 40%; chất bán dẫn, điện tử và quang tử, với mức tăng trưởng 26%.
Các nhà nghiên cứu và các công ty đang nghiên cứu phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo để cho phép robot hoạt động với nhiều đối tượng hơn.