Bộ Tài chính: 'Sẽ tăng mức giảm trừ gia cảnh vào tháng 10/2025 vì CPI đã tăng gần 16%'
(DNTO) - “Dự báo đến năm 2025, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội có Nghị quyết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh”, Bộ Tài chính thông tin tại Họp báo chiều 7/1.
Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng một tháng. Mức này duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp... số còn lại mới là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến được đánh giá là lạc hậu, cần nhanh chóng điều chỉnh để giảm gánh nặng cho người nộp thuế.
Tại buổi họp báo, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc lần điều chỉnh mức giảm trừ gần nhất.
"Chúng tôi theo dõi sát sao CPI giai đoạn từ thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020) đến nay. Trên cơ sở diễn biến CPI, cập nhật cả CPI năm 2024 là 3,63%, tính đến thời điểm hiện tại CPI chưa vượt ngưỡng 20% theo quy định. Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh chưa thể điều chỉnh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân", ông Tuấn nói.
Dù vậy, theo lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí, nếu trong 2025 CPI có biến động, có thể Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có nghị quyết liên quan đến việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo đúng quy định của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến việc đề xuất ngưỡng nợ thuế để hoãn xuất cảnh đang được lấy ý kiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, cơ sở đặt ra ngưỡng này được xây dựng dựa trên số liệu thống kê trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế.
Theo đó, hiện có khoảng 380.000 cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên. Khoảng 81.000 cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng chính sách này tại một số quốc gia cũng cho thấy, những cá nhân có khoản nợ thuế trong khoảng 2.000 USD (đối với Malaysia) và là 40.000 USD (đối với Hoa Kỳ) thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Do đó, ngưỡng đối với cá nhân tại Việt Nam khoảng 2.100 USD (tương đương 50 triệu đồng) là phù hợp.
Đối với ngưỡng áp dụng cho doanh nghiệp, tham khảo tại Đài Loan, quy định cụ thể ngưỡng nợ áp dụng cho doanh nghiệp là 2 triệu Đài tệ (tương đương 1,57 tỷ đồng), các nước khác không quy định ngưỡng cụ thể. Do vậy, đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng ngưỡng nợ là 500 triệu đồng (gấp 10 lần số tiền thuế nợ quá hạn áp dụng cho cá nhân).
"Cơ quan thuế đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế; trong đó đề xuất áp dụng tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp cá nhân, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên đã quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày", ông Sơn cho hay.
Đồng thời nhấn mạnh, vừa qua, cơ quan thuế tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do đây là hai địa phương phát triển mạnh về dịch vụ, giải trí, văn hóa, kinh doanh và thương mại điện tử, và bước đầu có số liệu những người nổi tiếng có hoạt động thương mại điện tử và đưa vào kiểm tra trong năm 2025.
Trong đó, xác định tổng thu từ hoạt động thương mại điện tử trên toàn thành phố Hà Nội năm 2024 là 900 tỷ đồng và số thuế đã nộp hiện nay là 13 tỷ đồng. Danh sách người có doanh số lớn đã được cơ quan thuế Hà Nội đưa vào để thực hiện công tác thanh, kiểm tra...