Bộ Tài chính phản hồi về đề xuất đánh thuế giao dịch vàng của các chuyên gia
(DNTO) - Trước đề xuất đánh thuế giao dịch vàng góp phần giảm tình trạng đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng của chuyên gia, tại họp báo thường kỳ quý II chiều 18/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đánh giá tác động, tính khả thi đối với đề xuất đánh thuế giao dịch vàng.
Trong thời gian vừa qua, giá vàng là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó, tại cuộc họp trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24, giới chuyên gia cho rằng đánh thuế giao dịch đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những người mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.
Giải pháp trên cũng có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng. Bên cạnh đó việc áp thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Trước đề xuất trên, thông tin tại buổi họp báo thường kỳ quý 2, chiều 18/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nói: “Bộ Tài chính đã tiếp thu và sẽ có đánh giá cụ thể trên tất cả các mặt. Việc đưa thêm một quy định mới về chính sách thuế cần được đánh giá chi tiết ở nhiều khía cạnh khác nhau, tính khả thi, chứ không chỉ tác động trực tiếp của giao dịch vàng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và có báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định và thực hiện nếu hợp lý".
Cũng tại buổi họp báo, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra thị trường vàng. Hiện nay, cả nước có 38 doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng SJC.
"Cơ quan thuế cử cán bộ tham gia thanh tra, khai thác số liệu nộp thuế, áp dụng hoá đơn điện tử của 16 đơn vị kinh doanh vàng SJC. Cả nước có 12.500 doanh nghiệp, cá nhân và hơn 5.500 hộ cá nhân mua bán, chế tác, gia công vàng bạc, đá quý. Hiện nay, đang trong quá trình thanh tra", Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay.
Ông Đặng Ngọc Minh cho biết thêm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng.
Bên cạnh tăng cường quản lý về thuế, ông Minh cho hay, cho biết Bộ Tài chính đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng. "Hiện nay, thông thường người dân mang nhiều tiền mặt đến các cửa hàng đều có thể mua được vàng, tới đây chúng tôi kiến nghị hoạt động mua bán vàng không dùng tiền mặt, cần thanh toán qua tài khoản", ông Minh nói.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc thời gian qua, nhiều cơ quan thuế các tỉnh thành đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh, Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối với nhiều giám đốc, người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế. Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2024, không ít giám đốc các doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế từ vài trăm ngàn đồng, vài triệu đồng đến hàng trăm tỉ đồng.
Thông tin về vấn đề này, ông Minh cho biết, quy định cấm xuất cảnh khi pháp nhân, cá nhân nợ thuế đã được nêu trong Luật Quản lý thuế. Biện pháp chủ yếu tập trung vào đối tượng là pháp nhân đại diện doanh nghiệp có nợ thuế lớn và người Việt Nam đang nợ thuế có kế hoạch ra nước ngoài định cư. Ngoài ra, biện pháp này cũng được thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Với cá nhân thông thường, cơ quan thuế sẽ có tin nhắn nhắc nhở, đôn đốc khoản nợ cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, cơ quan thuế không thể nhắn tin cho tất cả các trường hợp nộp thuế. Việc này cơ quan thuế cũng cân nhắc phụ thuộc vào hồ sơ cụ thể, sau đó gửi yêu cầu cấm xuất cảnh sang cơ quan xuất cảnh.
"Bộ Tài chính đánh giá tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế", ông Minh nói.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, với những cá nhân thắc mắc về khoản nợ nhưng lại không nắm được, thì hiện nay, ngành thuế đã triển khai ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế như Etax với khoảng 1 triệu người sử dụng.
"Trên Etax có thông tin thu nhập từ 2 nguồn trở lên phải tự quyết toán và nếu người dân trả lời không biết thì đó là trách nhiệm của người nộp thuế", đại diện Tổng cục Thuế cho hay. Đồng thời chỉ rõ: Trong 3 năm qua, cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên, Etax đã thông báo. Tuy nhiên, một số trường hợp không nắm được bản thân nợ thuế là do đã thay đổi địa chỉ, không thông báo cập nhật cho cơ quan thuế nên không nhận được thông báo. Sắp tới, cơ quan thuế sẽ dùng căn cước công dân làm mã số thuế, theo đó, công dân cần vào Etax để chủ động cập nhật căn cước công dân.