Bộ đôi VIC và VHM 'đỡ' thị trường
(DNTO) - Phiên giao dịch ngày 29/9, VIC và VHM bất ngờ tăng mạnh, nâng đỡ cho chỉ số chung, giúp VN-Index tăng gần 2 điểm, chốt phiên tại 1.145 điểm.
Chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch cuối cùng của quý 3 tăng nhẹ 1,7 điểm đưa chỉ số này tạm dừng ở mốc 1.154 điểm. Dù mức tăng không đáng kể, nhưng sự đảo chiều của thị trường so với phiên hôm qua, ngày 28/9, cũng phần nào an ủi nhà đầu tư.
Đáng nói, thanh khoản khá yếu, khi cả ba sàn, giá trị khớp lệnh chỉ trên 16 ngàn tỷ đồng, trong đó riêng HoSE đạt 13,9 ngàn tỷ đồng, con số thấp nhất trong vòng hơn ba tháng qua.
Phiên sáng ghi nhận lực cầu khá mạnh khi có thời điểm chỉ số VN-Index tăng tới hơn 10 điểm, tuy nhiên sang phiên chiều lực cầu suy yếu rõ nét. Nhà đầu tư phần lớn đứng ngoài nghe ngóng, chỉ một ít tham gia giải ngân khiến không khí giao dịch bị chậm lại.
Điểm sáng trong phiên hôm nay, là sự đảo chiều tăng điểm từ bộ đôi VIC và VHM của Vingroup. Cổ phiếu VIC đã tăng tới 4,4% lên mức 46.850 đồng/cp, mức tăng cao nhất trong cả tuần giao dịch qua. Mã VHM tăng 2,2%, cũng là mức tăng lớn nhất trong tuần, lên mức 45.500 đồng/cp. Bộ đôi là hai cổ phiếu góp phần lớn nhất cho sự tăng điểm của VN-Index trong phiên giao dịch.
Thông tin vĩ mô tích cực sẽ "ủng hộ" cho thị trường?
Cũng trong ngày hôm nay, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm với những thông tin vĩ mô quan trọng. Theo đó, GDP quý 3 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù con số này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 (trong giai đoạn 2011-2023) nhưng kết quả trên cho thấy xu hướng đang dần tích cực so với các quý trước.
Nhiều chỉ tiêu vĩ mô đã có chuyển biến như xuất nhập khẩu, tiêu dùng, bán lẻ... Chỉ số lạm phát vẫn đang trong vùng cho phép dù áp lực của lạm phát không phải đã hết.
Những thông tin trên đang cho thấy sự nỗ lực của nền kinh tế để vượt qua thách thức trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Những chính sách tài khoá và tiền tệ của Chính phủ đã bắt đầu ngấm vào nền kinh tế và phát huy tác dụng.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập Finpeach, kết quả vĩ mô của quý 3 có thể đã nằm trong dự doán của nhiều người, rất khó để có tốc độ tăng trưởng cao. Và nếu còn khó khăn cũng không có gì lạ. Tuy nhiên không phải vì vậy mà ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.
"Thị trường chứng khoán luôn có logic riêng. Giá các thị trường tài sản thường đi trước các chỉ số báo cáo. Kể cả với các doanh nghiệp niêm yết, quý 3, kết quả sẽ không được tốt. Nhưng quý 4, kết quả kinh doanh sẽ rấtấn tượng, đó cũng là cách để họ tạo đà cho năm sau. Do đó, thị trường bây giờ có thể đang báo trước cho xu hướng năm tiếp theo", ông nhận định.
Cũng theo ông, thị trường chứng khoán đang trong xu hướng kênh song song hướng lên đã có từ cuối năm ngoái và nếu nói thị trường đang hướng Down trend (đi xuống) là hơi nóng vội.