Thị trường chứng khoán đang trong nhịp 'Bear trap'?
(DNTO) - Tính từ khi thị trường chứng khoán trong nước đi vào hoạt động đến nay, nhịp Bear trap chỉ xuất hiện rất ít, khoảng vài ba lần. Và hiện tại, sau nhiều phiên rơi vào trạng thái bán tháo liên tục, thị trường đang cho thấy dấu hiệu của một nhịp Bear trap mới.
"Bear trap", được hiểu là "bẫy" của thị trường con gấu, khi chỉ số VN-Index liên tục đi xuống sâu, giá cổ phiếu giảm mạnh.
Hiện tượng này sẽ xuất hiện khi thị trường đang trong xu thế tăng giá mạnh, rồi bỗng nhiên đảo chiều lao dốc. Trước đà giảm mạnh của thị trường, nhà đầu tư sẽ rơi vào trạng thái lo sợ, nhất là những người sử dụng margin, lập tức đặt lệnh bán mong giữ nguồn vốn không bị thất thoát nặng. Tuy nhiên, thời gian sau, đường giá bật tăng trở lại, thậm chí cao hơn. Nhà đầu tư lúc này mới nhận ra sai lầm của mình.
Tính đến hôm nay, thị trường chứng khoán đã trải qua 4 phiên với mất mát nặng nề. Chỉ số VN-Index từ chỗ 1.226 điểm thì giảm chỉ còn 1.137 điểm, mất gần 90 điểm, tương đương mất hơn 7%. Khối lượng cổ phiếu giao dịch trung bình 4 phiên đều trên 1 tỷ đơn vị mỗi phiên, tuy nhiên chiều bán là chủ yếu. Xu hướng xả hàng và tâm lý bi quan đã xuất hiện trên thị trường.
Nói về diễn biến của thị trường, theo ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Đầu tư LCTV, tại chương trình "Khớp lệnh" nhận định, thị trường đang xác nhận trong nhịp Bear trap.
"Theo tôi, nhịp Bear trap này vẫn chưa xuống đáy, nếu gặp ngưỡng hỗ trợ MA20, MA50 sẽ bật trở lại. Các nhà đầu tư cần lưu ý, đây là nhịp Bear trap chứ không phải nhịp Down trend (giảm giá) có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm cho đến khi có yếu tố tác động. Còn nhịp còn Bear trap là cần nhiều yếu tố tích hợp cùng một lúc", ông chia sẻ.
Ví dụ trong tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát thông tin có thể sẽ kéo dài đà tăng lãi suất, cùng đó Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hút tiền qua kênh tín phiếu với tổng số tiền lên tới 30 ngàn tỷ đồng đang cho thấy có sự thay đổi của chính sách tiền tệ đang ngày một thận trọng hơn.
"Xét ở thị trường chứng khoán, từ đầu năm đến nay mọi khó khăn đã được thể hiện ra hết, giá cổ phiếu đã chiết khấu đủ sâu và đủ dài. Nếu tham gia dài, nhà đầu tư nào cũng lời, tâm lý thị trường đã đủ. Về vĩ mô, nhà điều hành có thể đảo chiều chính sách một chút để nắn dòng tiền vào thị trường. Tóm lại có nhiều yếu tố để có pha giảm giá một tuần vừa qua", ông Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng theo ông, có khá nhiều yếu tố đang tạo điều kiện cho nhịp Bear trap sớm kết thúc như bệ đỡ vĩ mô, định giá cổ phiếu, tương quan giá cổ phiếu và giá trị doanh nghiệp...
Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư cần tránh tình trạng bán tháo ồ ạt. Nếu nhà đầu tư chịu áp lực vay margin, bắt buộc phải giảm tỷ trọng thì cân nhắc tỷ lệ hợp lý. Còn nếu nhà đầu tư có tiền thì đây là cơ hội rất lớn để người kinh doanh nhận ra đáy của cổ phiếu để mua và tích luỹ.
Nhìn lại lịch sử chứng khoán trong nước, năm 2006, chỉ số VN-Index từ đạt trên 600 điểm, rồi bất ngờ thủng đáy 400 điểm, tuy nhiên sau 2,3 tháng đã lên nhanh trên 1.000 điểm. Theo chuyên gia, đây là một ví dụ điển hình cho trạng thái Bear trap.
Cũng theo ông Đức, động thái hút tiền mạnh từ nhà điều hành thể hiện mục tiêu rõ ràng của NHNN trong việc ổn định tỷ giá, lãi suất hợp lý, đồng thời nới tiền tệ để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng. Trong bối cảnh các nước đều tăng lãi suất, việc đối diện với làn gió khiến NHNN càng phải linh hoạt dựa trên các tín hiệu của nền kinh tế.