Vốn nội xả, khối ngoại gom, chứng khoán giảm sâu gần 40 điểm
(DNTO) - Thị trường chứng khoán ngày 25/9 giảm mạnh hơn 39 điểm, đồ thị của chỉ số VN-Index đổ đèo theo chiều thẳng đứng khi hơn 170 mã chứng khoán rơi xuống giá sàn.
Thị trường hứng khoán ngày 25/9 ghi nhận một phiên giao dịch nhiều bất ngờ, hoàn toàn nằm ngoài dự tính của giới đầu tư. Sắc xanh dương phủ kín thị trường. Tổng cộng, toàn thị trường chỉ có 22 mã tăng kịch trần, hơn 140 mã tăng giá nhưng có tới hơn 170 mã giảm kịch sàn.
Tình trạng giao dịch bắt đầu xấu đi từ phiên chiều. Phiên sáng giằng co nhẹ nhưng sự sụt giảm của VN-Index là không đáng kể. Tuy nhiên sang phiên chiều, VN-Index liên tục đi xuống khiác cổ phiếu lớn không đủ lực đỡ và áp lực bán tháo mỗi lúc một dâng cao từ các nhà đầu tư nội.
Tâm lý bắt đáy không còn, dòng tiền vẫn đứng ngoài chờ đợi khiến thanh khoản toàn phiên không có nhiều nổi bật, chỉ hơn 23 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn.
Đáng chú ý, khi cả khối nội đang có xu hướng bán mạnh thì nhà đầu ngoại lại mau ròng là chính. Với 1,9 ngàn tỷ đồng giá trị mua, nhưng chỉ có 1,2 ngàn tỷ đồng giá trị bán, khối này đang đẩy mạnh gom hàng với giá trị mua ròng hơn 700 tỷ đồng, trong khi 8 phiên gần nhất khối này chỉ chủ yếu bán ròng.
Kết thúc phiên hôm nay, VN-Index mất 39,5 điểm chốt phiên tại 1.153 điểm, trở lại với ngưỡng nửa đầu tháng 7 vừa qua.
Yếu tố nào đang ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán?
Tuần qua, thị trường chứng khoán đã đón nhận nhiều thông tin không mấy tích cực.
Trước hết Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 1/9, đang khiến cho nguồn vốn hoạt động cho vay margin của các công ty chứng khoán bị siết chặt lại.
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp chào thầu thành công hai đợt tín phiếu, mỗi đợt gần 10.000 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE, chia sẻ với nhà đầu tư, những lý do trên đang khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng. "Điều này khiến nhà đầu tư lo lắng, liệu có còn nhiều tiền chảy nhiều vào thị trường chứng khoán", bà Linh cho biết.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, hoạt động giải ngân của các tổ chức tín dụng đang khá chậm. Động thái trên của NHNN một phần hỗ trợ cho hoạt động liên ngân hàng, và một phần nhằm kiềm chế tỷ giá trong những tháng cuối năm.
Xét về ngắn hạn, động thái của NHNN có thể khiến nhà đầu tư lo lắng, tuy nhiên về trung và dài hạn điều này là cần thiết giữ nguồn vốn khối ngoại đang có xu hướng rút và tạo tiền đề cho đầu năm sau họ trở lại.
"Đây có thể không phải đợt hút tiền duy nhất có thể có đợt thứ 2 và thứ 3 cho đến khi các nhà điều hành thấy mình đang trong bieên an toàn của nền kinh tế", bà Linh nhận định.
Thị trường chứng khoán đi xuống chính là cơ hội để các nhà đầu tư tranh thủ giải ngân. Theo vị chuyên gia, bắt đáy quyết liệt sẽ đẩy nhà đầu tư vào trạng thái căng thẳng. Do đó nhà đầu tư vừa nhả vừa giữ để giữ tinh thần, đồng thời chia nhỏ số tiền để tránh sai lầm.