Bệnh nhân F0 điều trị tại nhà: Cẩn thận tránh bị lừa
(DNTO) - Dịch bệnh đã khổ, thu nhập bấp bênh, bà con nên bình tĩnh thận trọng tránh “tiền mất tật mang” vì bị lừa gạt bởi kẻ xấu trục lợi trên sức khỏe của người dân…
Lợi dụng các trang mạng hỗ trợ điều trị F0 tại nhà để lừa đảo
Trước đây, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, nhiều bác sĩ đã lập trang cá nhân hoặc hội nhóm trên mạng xã hội với mục đích hỗ trợ, trao đổi, chia sẻ những thông tin, kiến thức về Covid-19 giúp người dân không hoang mang lo sợ, góp phần hướng dẫn bà con biết cách phòng, chống dịch.
Bước sang giai đoạn hiện nay, thời điểm đa số bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ tự điều trị tại nhà thì các trang mạng trên chuyển sang hỗ trợ, chia sẻ thông tin hướng dẫn dùng thuốc và cách điều trị Covid-19 tại nhà để người bệnh tham khảo.
Có thể kể đến các trang hoạt động quy mô bài bản và hiệu quả như nhóm "Bác sĩ của bạn” của TTƯT.TS.BS. Dương Văn Trung- Trưởng khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội; group “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” của TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia.
Các nhóm nhận được rất nhiều sự ủng hộ và quan tâm từ những người bệnh đang điều trị tại nhà với hàng chục nghìn thành viên được tư vấn, điều trị bệnh từ xa miễn phí hoàn toàn.
Lợi dụng cơ hội này để kiếm ăn, nhiều đối tượng xấu tung ra các chiêu trò lừa đảo bệnh nhân F0 đang cách ly tại nhà. Chúng theo dõi trên trang những câu hỏi liên quan đến Covid-19 được bệnh nhân đăng tải để nhờ bác sĩ trả lời. Chúng mạo danh bác sĩ, giám đốc bệnh viện vào trang cá nhân của bệnh nhân, nhắn tin riêng cho họ và chèo kéo chữa bệnh.
Nhân lúc người nhà và bệnh nhân rối trí, một mặt chúng sẽ liên tục gây tâm lý hoang mang, lo sợ. Sau đó trấn an bằng cách khẳng định “đã điều trị khỏi cho nhiều người” và đưa ra “phác đồ riêng” gạ gẫm mua thuốc và vật tư y tế gửi đến tận nhà. Đáng lưu ý, những kẻ lừa đảo này đều dùng nick Facebook giả đề phòng khi người bệnh nghi ngờ thì "một đi không trở lại".
Để tránh bị lừa đảo, người tham gia group cần xem kỹ các bài viết giới thiệu về các bác sĩ trong group, nắm rõ tên họ và số điện thoại của từng bác sĩ.
Nên nhớ, các bác sĩ rất bận không thể chủ động bắt chuyện làm quen với bệnh nhân như thế. Những câu trả lời của bác sĩ luôn ngắn gọn, đi vào trọng tâm vấn đề. Đặc biệt, họ không trực tiếp bán thuốc hay vật tư y tế cho bệnh nhân.
Thuốc điều trị Covid-19 được rao báo lan tràn trên mạng và ngoài thị trường
Cùng với nạn mạo danh bác sĩ trị bệnh qua mạng, các đối tượng xấu còn tung ra thị trường các loại thuốc điều trị Covid-19 được quảng cáo là hàng xách tay có xuất xứ nước ngoài.
Đặc biệt gần đây nổi lên thuốc đặc trị Covid-19 của Nga sản xuất có giá 2,8 triệu đồng/hộp với lời mời chào hấp dẫn, có tác dụng ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm tối đa lây nhiễm, chỉ cần uống một hộp là âm tính. Vì bên ngoài ghi toàn tiếng nước ngoại nên bệnh nhân thường được hướng dẫn sử dụng bằng… miệng.
Trên Internet, việc mua bán các loại thuốc điều trị Covid-19 cũng diễn ra sôi động không kém. Đáng chú ý, rất nhiều người bán thuốc trên mạng chỉ là làm kiếm thêm thu nhập, còn chuyên môn chính không liên quan đến lĩnh vực y, dược nhưng vẫn nhiệt tình tư vấn như dược sĩ… “thứ thiệt”.
Theo PGS, TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, khi người dân phát hiện mình là F0, cần hết sức bình tĩnh và liên hệ ngay các cơ sở y tế để được cấp phát thuốc điều trị.
Việc điều trị, sử dụng thuốc cần có sự tư vấn, hướng dẫn của người có chuyên môn. Dùng sai thuốc không chữa được bệnh, thậm chí sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng.
Mới đây, tại một điểm kinh doanh trên đường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc
Ở TP.HCM, cuối tháng 1 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố phối hợp Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra căn nhà của Trần Thanh Thảo tại thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, ghi nhận có 555 hộp thuốc các loại được quảng cáo là điều trị Covid-19 nhưng chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam
"Cháy" kit test Covid-19, đề phòng hàng giả, hàng kém chất lượng
Trong tình hình các ca F0 tăng đột biến, nhu cầu về kit test nhanh Covid-19 tăng theo. Kit test trở nên khan hiếm, với những mức giá khác nhau, liên tục bị người bán đẩy lên cao chót vót.
Cũng giống như thuốc điều trị Covid-19, kit test không chỉ được bán trực tiếp tại các hiệu thuốc mà trên các trang mạng xã hội, việc mua bán kit test nhanh Covid-19 cũng diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác khi mua loại kit thử này, vì hiện nay trên thị trường đã và đang xuất hiện nhiều kit test nhanh giả, nhập lậu, kém chất lượng.
Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng các bộ kit test nhanh Covid-19 của người dân theo dự báo sẽ còn tăng cao và kéo dài. Nhu cầu theo dõi, kiểm tra sức khỏe bản thân là chính đáng không thể không mua. Tuy nhiên, khi chọn mua kit test nhanh, người dân nên thận trọng. Chỉ mua các loại nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành cho dù là mua trực tiếp hay mua qua mạng.
Dịch bệnh đã khổ, thu nhập bấp bênh, bà con nên bình tĩnh thận trọng tránh “tiền mất tật mang” vì bị lừa gạt bởi kẻ xấu trục lợi trên sức khỏe của người dân…