Trục lợi trên sức khỏe và mạng người là tội ác không thể dung thứ
(DNTO) - Trong tình hình người dân đang lâm cảnh dịch bệnh, đau đớn, đói khổ, sợ hãi, ly tán, thì những hành động trục lợi liên quan đến sức khỏe và mạng người rõ ràng là tội ác không thể kêu gọi lòng khoan dung và tha thứ.
Việc ông Nguyễn Quang Tuấn và trước đó là ông Nguyễn Quốc Anh, đều giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị vướng vòng lao lý vì những sai phạm liên quan đến đấu thầu nâng khống giá thiết bị y tế nhằm hưởng lợi chưa kịp nguôi ngoai, thì cái tin Phan Quốc Việt - TGĐ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và Phạm Duy Tuyến, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, bị khởi tố vì đã “bắt tay” nhau “thổi” giá kit xét nghiệm Covid-19 như đổ thêm dầu làm bùng lên ngọn lửa phẫn uất vốn đang âm ỉ của người dân trong thời gian qua.
Trước đó nữa, hồi tháng 4/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng vào tù vì nâng giá mua máy xét nghiệm PCR. Ở một diễn biến khác, vụ thuốc điều trị ung thư giả đồng thời cũng được “khai quật” lại.
Trong tình hình người dân đang lâm cảnh dịch bệnh, đau đớn, đói khổ, sợ hãi, ly tán, thì những hành động trục lợi liên quan đến sức khỏe và mạng người rõ ràng là tội ác không thể kêu gọi lòng khoan dung và tha thứ.
Cũng liên quan đến sức khỏe và mạng người đã và đang là nội sợ hãi ám ảnh thường trực của người dân, nhất là người dân nghèo không có điều kiện để lựa chọn, đó là vấn đề thực phẩm độc hại tràn ngập thị trường: Trái cây được bảo quản bằng hóa chất, rau nhiễm thuốc trừ sâu, thịt cá dư lượng thuốc tăng trọng, kháng sinh vượt ngưỡng; dương tính với chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, nội tạng thối ủ hóa chất, lợn chết vào lò biến thành lợn sữa quay…
Thực phẩm "bẩn" là căn nguyên gây nên bệnh ung thư, là thứ chất độc hủy hoại nòi giống. Sản xuất kinh doanh thực phẩm "bẩn" là phi nhân tính, là tội ác.
Đức Khổng tử từng nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, phàm con người ta mới sinh ra đều có bản tính tốt lành. Nhưng rất tiếc, khi tất cả mọi giá trị cuộc sống đều bị đồng tiền thống lĩnh, khi người ta đem cuộc sống xa hoa vật chất, kim cương, biệt phủ ra để làm thước đo giá trị và quyền lực của một con người thì cái tính thiện lành thuở ban đầu ấy ngày càng bị thui chột, bởi để có được đồng tiền bằng mọi giá người ta không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn. Đồng tiền hủy hoại nhân cách, đạo đức, ăn mòn y đức… đẩy con người vào tội ác.
Với một góc nhìn nào đó, nhiều người rất tiếc khi sự lệch lạc nhân cách dẫn đến tội ác rơi vào những người có chức vụ, có học hàm, học vị, có nhiều năm công tác chuyên ngành, gặt hái được các thành tích, được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý có nhiều đóng góp đáng kể trong chuyên môn.
Nhưng người ta càng bẽ bàng đau xót khi những hành động ấy đến từ những người nông dân lam lũ, chân lấm tay bùn, từ những tiểu thương quanh năm sắp ngửa kiếm miếng ăn ngoài chợ. Họ là những người tuy ít học nhưng vốn được xem là những người lao động cần cù, chịu khó, chân chất, thiệt thà, cũng xem nhẹ tính mạng con người, nhẫn tâm "đầu độc" đồng bào mình. Trong đám rẫy, họ biết chừa lại một luống, trong vườn cây, họ biết chừa lại một cây… không xịt thuốc để dành ăn. Chứng tỏ họ hiểu rất rõ về sự độc hại của việc lạm dụng hóa chất, nhưng họ vẫn làm.
Tất cả khiến người ta hoang mang đặt ra câu hỏi vì sao con người càng ngày càng bộc lộ sự độc ác? Tại sao cái “bản thiện” thuở “chi sơ” càng ngày càng mất đi? Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Một nhà giáo dục học đã từng chia sẻ, nuôi dạy trẻ giống như chăm sóc cây non. Chăm sóc tốt thì cây phát triển tốt, cho quả ngon trái ngọt. Con người được giáo dục tốt từ khi còn là một đứa trẻ thì sự thiện lương vốn sẵn sẽ phát triển mạnh mẽ lấn át cái xấu cái ác không cho nó cơ hội hình thành và mầm móng sẽ tự triệt tiêu. Tất nhiên, ngoài yếu tố bàn tay chăm sóc con người thì nền tảng quyết định sự phát triển của cây là môi trường đất màu mỡ phì nhiêu, còn để nuôi dưỡng sự thiện lương của con người chính là một môi trường xã hội trong sạch.
Trong đó, các điều kiện không bao giờ là cũ, là lỗi thời, chính là sự nêu gương của người lớn cụ thể là bố mẹ và sự kết hợp trong nguyên tắc giáo dục bao gồm gia đình nhà trường và xã hội.
Khi Nguyễn Đức Nghĩa cứa cổ người tình rồi chặt xác phi tang, người ta chỉ thấy băn khoăn. Khi Lê Văn Luyện giết 3 người trong một gia đình để cướp của, người ta lại ngỡ ngàng. Khi 6 mạng người chết chỉ vì... một mối hận tình của Nguyễn Hải Dương với những kế hoạch chuẩn bị rất bài bản để thực hiện hành vi..., thì trong thâm tâm mỗi chúng ta cảm thấy vô cùng sợ hãi trước sự ác độc của con người. Nhưng đến khi những cái chết không giới hạn, không thể đếm được chính xác số lượng, những cái chết dần chết mòn vì bệnh tật, vì uống nhầm thuốc giả, vì không kham nổi chi phí trị bệnh phải “xin về nhà chờ chết” do sự vô cảm, ích kỷ, tham lam, tha hóa đạo đức thì dư luận dậy lên làn sóng phẩn nộ và mong muốn tội ác bị trừng trị.
Diệt trừ cái ác bằng sự nghiêm minh của pháp luật là sức mạnh của nhà nước pháp quyền. Nhưng để con người giữ được sự lương thiện phải dựa vào nền tảng giáo dục. Giáo dục tốt sẽ đưa con người đến vinh quang và giới hạn họ trở thành cặn bã theo nhà triết học người Pháp Blaise Pascal: "Con người vừa là vinh quang vừa là cặn bã của vũ trụ".