Loạn giá xét nghiệm Covid-19 do 'mải mê' chống dịch: Công - tội phải phân minh
(DNTO) - Về hiện tượng thu chênh lệch giá test nhanh Covid-19, trong phiên trả lời chất vấn của quốc hội mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Do bận chống dịch nên có địa phương thực hiện thu giá xét nghiệm chưa phù hợp. Phát biểu này của bộ trưởng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Thời gian qua hiện tượng giá xét nghiệm mỗi nơi thu theo một giá khác nhau, thậm chí có nơi thu cao ngất ngưỡng đến bất ngờ, là vấn đề được dư luận người dân rất quan tâm.
Thật ra không chỉ giá xét nghiệm được thả lỏng mà liên quan đến vấn đề quản lý giá trang thiết bị sinh phẩm, vấn đề tiêu cực về giá cả của các trang thiết bị y tế phục vụ công việc phòng chống dịch cũng đã từng khiến người dân phẫn nộ.
Trong cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19 của đất nước ta vừa qua, các “chiến sĩ CDC” đã góp phần không nhỏ. Chuyện những “chiến sĩ CDC” phải sống cách ly nhiều ngày không thể về nhà, cùng với những đêm thức trắng đuổi theo dấu vết F1, F2… Công việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm với họ là rất lớn, tỷ lệ nghịch với thu nhập mà họ được hưởng, thế nhưng họ không hề lùi bước, chỉ nhằm mục tiêu quan trọng bậc nhất là giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong vì dịch bệnh.
Không ai có thể phủ nhận công sức đó của tập thể “chiến sĩ CDC”. Thế nhưng, đúng vào thời điểm này, một sai phạm nghiêm trọng tại Hanoi CDC đã được phát hiện: Chiếc máy xét nghiệm Covid-19 nhập về tiền tỷ, “lòng vòng” qua một số khâu, đã bị “đội” lên gấp hơn 3 lần giá gốc.
Tất cả sự tận tâm, tận lực phòng chống dịch bệnh được ghi công không thể nào cứu vãn được một lần sai phạm. Chỉ vì “túi tham không đáy”, các đối tượng đã “bắt tay” nhau lợi dụng dịch bệnh thực hiện “phi vụ” xà xẻo, tư lợi, bất chấp nỗi đau của đồng bào, của bệnh nhân. Quyết định khởi tố của Bộ Công an với các đối tượng vi phạm ở Hanoi CDC đã cho thấy quan điểm rõ ràng dứt khoát công - tội phân minh của luật pháp.
Không chỉ khiến người trong cuộc, trong ngành đau lòng, mà dư luận xã hội phần nào cũng thấy chạnh lòng pha lẫn tiếc nuối còn là trường hợp của những người có tiếng tăm, rất giỏi chuyên môn, đã từng cứu sống nhiều người bệnh, đóng góp không ít cho nền y học nước nhà, trong thời gian xảy ra dịch, đã bị xử lý pháp luật vì các sai phạm mà họ gây ra như nguyên Giám đốc, nguyên Phó Giám đốc và mới đây là đương kim Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Tiếp theo là Giám đốc BV Thủ Đức (TP.HCM) cũng bị bắt.
Là vấn đề mang tính xã hội nên việc hàng loạt cán bộ y tế vướng vòng lao lý không chỉ gây ồn ào dư luận mà còn trở thành nỗi trăn trở của nhiều người về sự bất cập giữa quản lý, quản trị với chuyên môn của người thầy thuốc.
Ngoài phạm vi y tế, thời gian qua chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều vụ việc các nhân vật từng có công đóng góp cho đất nước đã công khai bị xử lý pháp luật vì những sai phạm mà họ mắc phải.
Tất cả đều là vì đạo lý “công - tội phân minh”.
Ai cũng biết, để chống lại sự tàn phá kinh hoàng của đại dịch Covid-19 trong giai đoạn bùng phát dữ dội vừa qua, chính phủ và toàn dân ta đã chung tay, đồng lòng, hiệp sức với quyết tâm cao nhất, bất kể hy sinh cả tính mạng. Trong đó phải kể đến một lực lượng nòng cốt cán bộ cơ sở địa phương, là người gần dân và hiểu dân nhất. Chưa bao giờ vai trò của họ có ý nghĩa quan trọng quyết định trực tiếp đến người dân như thế. Họ đã vận hành hết công suất vì sự an nguy của mọi người. Điều đó thật đáng ghi nhận và trân quý.
Tuy nhiên, một số địa phương đã buông lỏng quản lý để xảy ra việc thu giá xét nghiệm chênh lệch loạn xạ cả lên, trong khi xét nghiệm Covid-19 là một nhu cầu bức thiết của người dân trong giai đoạn này là không thể chấp nhận. Xét nghiệm Covid-19 không những giúp người dân chủ động tầm soát sức khỏe mà xét nghiệm còn là điều kiện bắt buộc người lao động phải thực hiện thường xuyên mới được phép tham gia làm ăn, buôn bán nuôi sống bản thân và gia đình, xa hơn nữa là góp phần khôi phục kinh tế.
Cho nên, cho rằng “bận chống dịch” là lý do để người dân phải gồng mình đối phó với giá xét nghiệm nhảy múa lung tung trong khi người dân, nhất là dân nghèo, đã quá lao đao vì dịch bệnh là một giải thích chưa thuyết phục, lẫn lộn giữa công và tội.
Tóm lại, không thể lấy công lao để khỏa lấp, bao biện cho hành vi sai trái. “Có công thì thưởng, có tội thì trừng” chính là tôn chỉ giáo dục từ xưa của ông cha ta, và là nền tảng của xã hội công bằng, văn minh ngày nay.