Bắc Giang tìm đầu ra cho nông sản
(DNTO) - Sáng nay, 11/11, Hội nghị "Xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi, na và các nông sản tiêu biểu tỉnh Bắc Giang năm 2021” do UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức đã diễn ra với hình thức trực tuyến và trực tiếp. Sản lượng lớn các sản phẩm này đang chờ người tiêu dùng.
Ông Lê Anh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh sẽ cung ứng ra thị trường các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng.
Cụ thể, cam các loại 48.000 tấn; bưởi các loại xấp xỉ 37.000 tấn; na (mãng cầu) 4.000 tấn; thịt gà khoảng 17.000 tấn; thịt lợn khoảng 60.000 tấn. Đây là những sản phẩm được sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP hoặc được trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có vùng trồng rau chế biến, rau an toàn trên 11.000 ha, sản lượng trên 230 nghìn tấn đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong, ngoài tỉnh và đã xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Đông Âu, Nga, Nhật Bản...
Cũng theo ông Dương, tỉnh đang bước vào những ngày đầu của vụ thu hoạch cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng khác. Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện; tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm...
Vì thế, sau hội nghị, Bắc Giang kỳ vọng sẽ có nhiều hơn hợp đồng liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh, mong muốn sẽ được đón nhiều hơn du khách đến trải nghiệm tại các vùng cây ăn quả tại huyện Lục Ngạn và các địa phương trong tỉnh.
Ông Dương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc, một số quốc gia có thị trường tiềm năng trong khu vực và trên thế giới thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương; kịp thời thông tin về hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu các loại nông sản tươi, nông sản qua chế biến sang các quốc gia; chỉ đạo các cơ quan chức năng của bộ quan tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; hướng dẫn tỉnh Bắc Giang thực hiện quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng đảm bảo các điều kiện tiêu thụ tại các hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu; hướng dẫn triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp; xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi…; tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Đại diện của Công ty Vincommerce (chủ sở hữu của Vinmart và Vinmart+) cho biết, đơn vị sẽ đẩy nhanh việc thu mua, cam kết tiêu thụ 700 tấn cam, 200 tấn bưởi, 100 tấn nông sản khác như na, thịt lợn, thịt gà... Đồng thời tiếp tục kết nối, tăng cường sản lượng tiêu thụ các loại nông sản tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh tại hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+.
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc Đầu tư và Đối ngoại Tập đoàn Central Retail tại miền Bắc cho biết, bên cạnh các sản phẩm nổi bật như vải thiều, mỳ Chũ, bánh đa nem Thổ Hà, từ lâu đơn vị đã chú trọng tìm kiếm, thu mua và xúc tiến quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực khác của tỉnh Bắc Giang, tiêu biểu là cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi, hồng Lục Ngạn, bưởi ngọt, táo xanh…
Vụ đông năm ngoái, hệ thống siêu thị Big C và GO! đã tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản Bắc Giang. Tất cả các sản phẩm đều được khách hàng đón nhận và có những phản hồi tích cực. Tập đoàn Central Retail hiện đang triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu tiêu thụ cam, bưởi của Bắc Giang.
Với mục tiêu quảng bá và giới thiệu tốt nhất đến khách hàng, đội ngũ thu mua của tập đoàn đã làm việc chặt chẽ với hợp tác xã tại Lục Ngạn và thống nhất những sản phẩm đưa vào hệ thống siêu thị phải bảo đảm quy trình lựa chọn kỹ càng, đồng bộ. Tập đoàn cũng thực hiện thu mua từ các hộ nông dân, hợp tác xã với chất lượng cao nhất cùng chiết khấu 0% và giá mua theo thị trường tại thời điểm thu mua. Qua đó góp phần định hướng giá cả, nâng cao giá trị của nông sản, giúp khách hàng có thể tiếp cận được nông sản chủ lực của Bắc Giang với giá hợp lý.
Theo bà Linh, đặc biệt năm nay, tập đoàn sẽ tổ chức kích cầu tiêu thụ trên kênh online và trên nền tảng thương mại điện tử.
Đại diện MM Mega Market Việt Nam cũng cho biết đã lên kế hoạch ký hợp đồng với các hợp tác xã, nhà cung cấp rau củ quả tại Bắc Giang với sản lượng tiêu thụ dự kiến hàng tháng lên tới hàng trăm tấn.
“Đây là cơ hội tốt để chúng tôi giới thiệu sản phẩm Bắc Giang cho khách hàng toàn quốc và thúc đẩy việc xuất khẩu đến các nước khác trong khu vực”, đại diện MM Mega Market Việt Nam nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cũng đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác về việc xúc tiến tiêu thụ nông sản, đặc sản Bắc Giang với đại diện MM Mega Market Việt Nam, đại diện Vincommerce; đại diện Chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Hóc Môn; đại diện Chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức...