Áp lực chi phí tăng cao, 43,7% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm lãi suất cho vay

(DNTO) - Nhiều khó khăn, rủi ro vẫn chực chờ các doanh nghiệp trong năm mới 2025, từ thị trường tiêu thụ, lãi vay cao, nặng gánh chi phí… Cho nên, rất cần chuyển biến mới từ cơ quan quản lý và hoạch định chính sách để “tiếp sức” đồng bộ hơn nữa cho sự ra đời và quay trở lại hoạt động của các doanh nghiệp.

Hơn 197.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024. Ảnh: TL.
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng theo các tháng. Thậm chí, có những tháng còn cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
"Giai đoạn trước đại dịch, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập mới trên số doanh nghiệp rút lui thường là 3 lần, nhưng năm 2023, tỷ lệ này là 1,26 và năm 2024, theo số liệu cập nhật, giảm xuống còn 1,18 lần", TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay.
Lý giải cho vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao trong giai đoạn qua phần lớn là nhờ vào kim ngạch xuất nhập khẩu và hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hiệu quả vì tiềm lực, quản trị tốt hơn và chiến lược kinh doanh phù hợp. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, ngoài bất ổn với tình hình chính trị kinh tế thế giới, những xu hướng liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế đã và đang là rào cản lớn của quá trình xuất khẩu hàng hóa trong nước. Đặc biệt, tốc độ tiêu dùng trong nước đang tăng chậm hơn so với tăng trưởng xuất khẩu và du lịch khiến các doanh nghiệp sản xuất hướng vào thị trường trong nước cũng phải đối mặt với khó khăn khi người dân vẫn thắt chặt chi tiêu khiến sức mua chưa phục hồi như kỳ vọng.
Trong lĩnh vực bất động sản, dù có tín hiệu tích cực, song thị trường này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn làm cho hệ thống doanh nghiệp trong lĩnh vực này lúc đầu còn cầm cự nhưng sau đó ngày càng có nhiều doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường.
“Gánh nặng chi phí nguyên vật liệu tăng cao trong khi nhiều doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế làm thiếu hụt về nguồn tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh doanh”, ông Tuấn nói.
Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù nhận được sự trợ lực từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, song sự hỗ trợ này là vẫn chưa "đủ đô" để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn trong khi lại khó tiếp cận vốn vay do không đủ điều kiện vì nợ xấu tăng, khiến nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường do không đủ nguồn lực để tiếp tục hoạt động.
Đây cũng chính là một trong những kiến nghị được doanh nghiệp bày tỏ tại khảo sát do Tổng cục Thống kê vừa thực hiện và công bố. Khảo sát có sự tham gia của gần 30.000 doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý IV năm 2024. Phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra.
Về đầu ra, “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 51,9% và 44,3%.
Trong khi đó, liên quan đến đầu vào cho sản xuất kinh doanh, hơn 25% doanh nghiệp cho biết giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp; 17,2% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn còn cao; 17,7% doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên vật liệu.
Ngoài ra, 14,4% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh; 10,4% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu.

Để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là giảm lãi suất cho vay. Ảnh: TL.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sản xuất kinh doanh, mong muốn lớn nhất là giảm lãi suất cho vay với tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị là 43,7% nhằm giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào; 25,4% doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; 32,6% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất kinh doanh.
Với các kiến nghị khác, 31,2% doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp; 27,4% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn và 25,4% doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.
Đối với thị trường đầu ra, 24,8% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước; 19,5% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm; 20,5% doanh nghiệp mong muốn tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng.
Mới đây, khi bàn về triển vọng kinh tế 2025, nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Tp.HCM và Cục Thống kê Tp.HCM có khuyến nghị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng xem xét hạ lãi suất cho vay, cùng với đó là giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng mức giảm trừ gia cảnh. Điều này vừa hỗ trợ người dân vượt qua những cú sốc về giá cả và vừa tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tránh để nền kinh tế rơi vào vòng xoáy “tiêu dùng thấp - tổng cầu thấp - thu nhập thấp - tiêu dùng thấp”.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục chỉ đạo ưu đãi lãi vay USD dưới 4% cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Còn Bộ Tài chính cần giải quyết vướng mắc về thủ tục hoàn thuế Giá trị gia tăng đối với các dự án đầu tư mở rộng, dự án mới có phát sinh doanh thu.
“Nhiều nước thậm chí duy trì cả lãi suất thực âm để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi Việt Nam lại duy trì mức thực dương cao là không có lợi cho nền kinh tế. Đây là vấn đề cần phải xem xét nếu quyết tâm hạ lãi vay”, Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh Lê Đạt Chí, nhận xét.
Đang có khá nhiều kịch bản được giới chuyên gia kinh tế đưa ra cho năm 2025, với nhiều giả thiết khác nhau. Tuy nhiên, trong các kịch bản tăng trưởng, nếu không thúc đẩy sự gia tăng của khu vực doanh nghiệp, thì các mục tiêu sẽ trở nên khó khăn. Thậm chí, bài toán tăng trưởng trên 8% và cao hơn sẽ rất thách thức.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 103 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng vươn lên và phát triển. Khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị nội địa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Các chính sách hỗ trợ cần thiết thực, hiệu quả để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa các khu vực; nghiên cứu việc hỗ trợ giảm lãi suất, giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Suy cho cùng, từ phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội và các nhà nghiên cứu đang cần các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách tiếp tục suy ngẫm để có chuyển biến mới trong việc “tiếp sức” đồng bộ, sát sườn hơn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước thoát khỏi rủi ro và có thể hưởng lợi trong năm mới 2025.