Áo dài ơi!
(DNTO) - Cùng với Phở và Bánh mì, tính đến thời điểm hiện tại, Áo dài là từ tiếng Việt được từ điển Oxford - một trong những bộ từ điển uy tín hàng đầu của thế giới - công nhận. Bắt đầu từ năm 2019, "Tuần lễ áo dài" do Hội LHPN Việt Nam phát động, được tổ chức hằng năm vào tháng ba với nhiều hoạt động sôi nổi, rộng khắp trên cả nước nhằm tôn vinh và phát huy giá trị di sản Áo dài Việt Nam.
Năm nay - 2024 - “Tuần lễ Áo dài” sẽ diễn ra từ ngày 1 - 8/3 trên phạm vi toàn quốc nhân chào mừng kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 – 8/3/2024), 1984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Áo dài trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm
Ghi chép về sự ra đời của trang phục áo dài Việt Nam, đã có rất nhiều nguồn sử liệu, nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ. Tất cả đều cho thấy chiếc áo dài xuất hiện từ rất lâu đời và có một cuộc sống thăng trầm rất đặc biệt nhưng vẫn tồn tại và phát triển với một sức sống mãnh liệt.
Trải qua nhiều sự thay đổi và phát triển qua từng thời kỳ lịch sử, từ áo giao lĩnh (1744), áo tứ thân (thế kỷ 17), áo ngũ thân (thời vua Gia Long), áo dài Lemur, Lê Phổ, Raglan, đến áo dài truyền thống Việt Nam đan xen các kiểu áo dài cách tân khác (từ 1970 đến nay)
Nói về sự thăng trầm của chiếc áo dài, có thể nhắc đến giai đoạn, trong bối cảnh miền Bắc mới tuyên bố độc lập, đời sống khó khăn, chính phủ vận động người dân bỏ thói quen mặc áo dài để tiết kiệm vải và cũng để phù hợp với tác phong lao động khẩn trương trong thời kỳ xây dựng mới. Cuộc vận động này được người dân ủng hộ và áo dài không còn là trang phục thông dụng của phụ nữ thời đó trong một thời gian dài.
Tương tự như thế, ở miền Nam thời bao cấp, giai đoạn 1975 - 1979, cũng do tình hình kinh tế đất nước trong những ngày đầu xây dựng sau chiến tranh rất khó khăn, số phận áo dài cũng lao đao theo. Sự vắng mặt của nó được nhận thấy rõ rệt nhất qua việc không còn được sử dụng làm đồng phục nữ sinh như trước.
May mắn, khoảng thập niên 80, tình hình kinh tế có phần ổn định, cuộc sống người dân bớt khó khăn, bắt đầu từ tỉnh Cà Mau, áo dài trắng được vận động khôi phục trở lại trong nhà trường làm đồng phục cho nữ sinh. Quyết định này đã gây nhiều tranh cãi xôn xao trong dư luận lúc bấy giờ. Cho mãi đến thập niên 90, chiếc áo dài đồng phục nữ sinh mới chính thức trở lại. Nó kéo theo sự hồi sinh ngoạn mục của chiếc áo dài trong đời sống sinh hoạt của nữ giới khắp cả nước.
Sự lên ngôi của áo dài Việt thời gian gần đây kéo theo rất nhiều các hoạt động, kinh doanh, dịch vụ quanh nó trên đà khởi khắc rầm rộ. Đặc biệt là sự xuất hiện của rất nhiều nhà thiết kế với nhiều bộ sưu tập giá trị lấy ý tưởng từ chiếc áo dàì.
Sĩ Hoàng - thạc sĩ mỹ thuật, nhà thiết kế áo dài nổi tiếng, họa sĩ vẽ hoa văn trên áo dài, người sáng lập Bảo tàng Áo Dài, một nhà giáo tận tụy, một doanh nhân thành đạt, một diễn viên sân khấu, một nhà nghiên cứu đầy tâm huyết - là cái tên luôn được trân trọng nhắc đến bởi cuộc hành trình hơn ba 30 năm của anh với áo dài.
Không phải là người đam mê thời trang, cũng không phải nhà chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán các bà mẹ TP.HCM) bằng niềm yêu thích chiếc áo dài, chị đã lựa chọn áo dài làm trang phục trong mọi hoàn cảnh cuộc sống: Khi xuất hiện trước công chúng trong những sự kiện văn hóa đến trong các sinh hoạt thường ngày như đi chợ, đưa đón con… người ta luôn thấy chị Thúy xuất hiện trong trang phục áo dài.
Thông qua Hội quán các bà mẹ TP.HCM, chị Thanh Thúy đã truyền cảm hứng, san sẻ và kết nối với mọi người, quãng bá và tiếp lửa cho chiếc áo dài, xem áo dài không chỉ là một trang phục mà còn tượng trưng cho nguồn cội văn hóa dân tộc.
Nữ doanh nhân với sứ mệnh truyền bá vẻ đẹp của áo dài
Thời gian gần đây, áo dài không những chiếm lĩnh không gian trang phục trong các dịp lễ hội mà nhiều công sở, doanh nghiệp, đơn vị đã chọn áo dài làm đồng phục cho nhân viên, phổ biến trong ngành giáo dục, nhà hàng khách sạn, ngân hàng…
Áo dài cũng là trang phục được lựa chọn hàng đầu của các nữ doanh nhân. Áo dài được xem là trang phục đẳng cấp của các chị khi xuất hiện trong các sự kiện quan trọng. Với nữ doanh nhân, mặc áo dài không chỉ để tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà còn mang sứ mệnh đồng hành trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp của dân tộc, trong đó có trang phục áo dài, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ các hoạt động tôn vinh và truyền bá trang phục áo dài, cuộc thi “Áo dài doanh nhân” qua ảnh lần thứ nhất được Trung tâm Truyền thông Tiềm năng Việt – VCCI phát động đã làm lễ trao giải vào sáng 14/6/2023. Cuộc thi được đánh giá là thành công tốt đẹp với sự tham gia của nhiều người mẫu ảnh là nữ doanh nhân. Kết quả có một thí sinh đoạt giải Đặc biệt và hai thí sinh đoạt giải Nhất.
Có thể nói không quá đằng sau lá quốc kỳ, áo dài chính là biểu tượng thiêng liêng kiêu hãnh không thể nhầm lẫn của Việt Nam.
Trong năm 2024, nhất là trong những ngày tết Nguyên đán chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của áo dài trên khắp đường phố, nơi công sở… Nhiều kiểu mẫu áo dài cách tân mới, đầy sự sáng tạo bên cạnh những mẫu mã có xu hướng quay về kiểu dáng xưa đã làm tăng lên bội phần sự phong phú trong thế giới thời trang áo dài của phụ nữ Việt.