Ra mắt Câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM
(DNTO) - Sáng 28/10, tại Nhà văn hoá Thanh niên (số 4, Phạm Ngọc Thạch, quận 1), Lễ ra mắt Câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM kết nạp hội viên đã diễn ra long trọng và ấm cúng thu hút đông đảo khách mời và người yêu áo dài truyền thống đến tham dự.
Câu lạc bộ Di sản Áo dài TP.HCM trực thuộc Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam được chính thức được thành lập vào ngày 27/6/2023 với mong muốn đây là nơi tập hợp, đoàn kết và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các cá nhân trong CLB, là nơi trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc tôn vinh, quảng bá giá trị của áo dài Việt Nam… nhằm thực hiện sứ mệnh lan tỏa và bảo tồn nét văn hóa của tà áo dài Việt Nam. Đặc biệt với thông điệp "Áo dài Việt Nam, di sản sản Việt Nam, khí chất Việt Nam, vươn tầm thế giới", Câu lạc bộ mong muốn góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Phát biểu tại buổi lễ Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam hy vọng, Câu lạc bộ Di sản Áo dài TP.HCM sẽ góp phần giữ gìn, phát huy giá trị áo dài, trong đời sống văn hóa và cả trong sinh hoạt thường nhật của người dân thành phố. Trong thời gian tới, Câu lạc bộ cũng sẽ có các hoạt động hỗ trợ những sản phẩm làng nghề, xưởng dệt may có thêm đầu ra để bảo tồn nghề ươm tơ, dệt lụa và may thêu vốn có từ lâu đời. Bà nhấn mạnh đây là hoạt động ý nghĩa chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11. Đồng thời, là tiền đề cho việc ra mắt CLB Di sản Áo dài của một số tỉnh, thành trong thời gian tới.
Tại buổi lễ, bà Phùng Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phú Trường Quốc Tế, Chủ nhiệm câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM cho biết bà rất lấy làm vinh dự và xúc động nhận quyết định thành lập Câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM. Bà mong rằng Câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM sẽ là ngôi nhà chung dành cho những người yêu áo dài, qua đó góp phần cổ vũ việc mặc áo dài thường xuyên hơn trong các hoạt động đời thường. Bà Thủy hy vọng đây còn là nơi kết nối các tài năng trẻ và các nhà thiết kế nhằm đóng góp thêm những giá trị từ truyền thống đến hiện đại của tà áo dài Việt Nam.
Đặc biệt, Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu trang phục Việt – trong vai trò là Trưởng ban cố vấn cho câu lạc bộ cũng đưa ra thông điệp: “Áo dài là hồn cốt, phong cách, khí chất của người Việt Nam. Cứ nói đến áo dài là nói đến Việt Nam, tôi mong rằng chúng ta sẽ tiếp bước, nói lên tiếng nói tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc”.
Trong khuôn khổ nội dung buổi lễ, Ban chủ nhiệm CLB cũng đã công bố danh sách hội viên mới. Góp phần thành công cho Lễ ra mắt Câu lạc bộ Di sản áo dài TP.HCM, ban tổ chức còn trưng bày sách, ảnh về nữ tướng Nguyễn Thị Định trong trang phục áo dài; Trưng bày áo dài gia bảo của các gia đình ba miền; áo dài đương đại; lụa, guốc mộc, nón lá và các phụ kiện của nghệ nhân, thợ may, thêu, vẽ áo dài…