4-5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ bị rút giấy phép
(DNTO) - Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu đang gia tăng chóng mặt, Bộ Công thương cho biết, dự kiến có khoảng 4-5 doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép sau khi kiểm tra.
Trao đổi trong Họp báo thường kỳ chiều 12/3, Bộ Công thương cho biết vừa hoàn tất việc kiểm tra đối với 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cùng sự phối hợp với lực lượng công an, thị trường, tài chính.Những đơn vị bị kiểm tra đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu như không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Đặc biệt, có doanh nghiệp đầu mối xăng dầu còn sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu để huy động vốn ngân hàng, không thực hiện đúng chức năng kinh doanh xăng dầu.“Dựa vào kết quả kiểm tra, dự kiến sẽ có khoảng 4-5 doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có cả những doanh nghiệp đã được cấp phép nhiều năm”, Bộ Công thương cho biết.
Việc kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu được tiến hành trong bối cảnh hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu đang gia tăng chóng mặt.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết có nhiều bộ ngành tham gia quản lý kinh doanh xăng dầu, trong đó vai trò của Bộ Công thương liên quan trực tiếp đến nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu; Bộ Khoa học và công nghệ có vai trò quản lý chất lượng, pha chế và các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân trên địa bàn mình.
Theo Nghị định 83, Bộ Công thương có chức năng chính là chủ trù phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng và phát triển hệ thống phân phối.
Trong năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 4.550 vụ việc liên quan đến mặt hàng xăng dầu, xử lý 1.291 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 14 tỷ đồng. Tịch thu, tạm giữ gần 79.000 lít xăng dầu các loại với trị giá hàng hóa trên 1,5 tỷ đồng.
Cụ thể, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phổ biến như: làm sai lệch kết quả đo; tự ý điều chỉnh giá; bán xăng dầu ngoài hệ thống; bán xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, pha chế xăng giả, mua bán trái phép hóa đơn…
Ngoài ra, nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu không có Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc giấy chứng nhận đã hết hiệu lực, sử dụng phương tiện đo không có chứng chỉ kiểm định…
“Do đó, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay thường xuyên có những đoàn kiểm tra, giám sát và hậu kiểm. Ngay trong cuối năm 2020 đã kiểm tra và sẽ có báo cáo để xử lý những thương nhân kinh doanh xăng dầu không đúng quy định”, ông Trần Duy Đông thông tin.
Đồng thời Bộ Công thương cũng cho biết đang soạn thảo, sửa đổi Nghị định 83 để khắc phục những bất cập, đảm bảo tính minh bạch hơn, tránh tình trạng phát triển không đi vào thực chất và tăng cường phối hợp để thanh tra, kiểm tra mặt hàng xăng dầu.