1.000 cửa hàng đóng cửa, bí quyết nào giúp tập đoàn của ‘vua hàng hiệu’ Việt Nam tăng trưởng 15%?
(DNTO) - Một chiến lược thích ứng đồng bộ từ nhân sự, vận hành, tài chính… đã giúp IPP, tập đoàn của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên vượt qua đại dịch.
Chia sẻ trong Hội nghị Nữ lãnh đạo Doanh nghiệp: “Chủ động thay đổi để thích ứng và phát triển” và Lễ trao tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu – Cúp Bông Hồng Vàng”, chiều 29/12, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên Thái Bình Dương (IPP) cho biết, trong đại dịch Covid- 19, tất cả doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán lẻ đều khốn đốn. Tại IPP, hơn 1.000 cửa hàng F&B, thời trang phải đóng cửa vì đại dịch, 25.000 nhân viên từ Bắc vào Nam bị ảnh hưởng. Đứng trước khủng hoảng từ đại dịch, IPP buộc phải có chiến lược thích ứng.
Theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, chiến lược đầu tiên mà IPP ưu tiên là “bảo toàn lực lượng”: “Trong giới hạn cho phép, chúng tôi phải chăm lo đời sống nhân viên vì rất nhiều nhân viên được đào tạo bài bản, không thể để họ ra đường hay chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ. Vì vậy, chúng tôi có kế hoạch hỗ trợ với từng nhóm nhân viên, từ nhân viên làm việc bán thời gian, cho đến các nhân viên làm việc ở nhà, làm sao để tất cả nhân viên đều có thu nhập tối thiểu, hợp lý trong mùa dịch”, bà Thủy Tiên cho biết.
Lãnh đạo của IPP cũng thừa nhận, tập đoàn khá may mắn vì trước khi đại dịch xảy ra, toàn bộ nhân viên IPP đã dành 1 năm để thực hiện chuyển đổi số bằng việc áp dụng hệ thống ERP (hoạch định tài nguyên doanh nghiệp). Nhờ đó, khi đại dịch buộc các cửa hàng đóng cửa, nhân viên phải làm việc ở nhà và các hoạt động chuyển lên online, nhân viên IPP đã được trang bị kĩ năng số nên việc chuyển đổi mô hình hoạt động không mất quá nhiều thời gian, và lãnh đạo tập đoàn dễ dàng điều hành, quản lý cửa hàng và các hoạt động xuất nhập khẩu từ xa.
Ngoài ra, phương án hoạch định tài chính rõ ràng là một yếu tố giúp IPP trụ vững trước đại dịch. Bà Thủy Tiên cho biết, IPP có kế hoạch giới hạn toàn bộ chi phí, chỉ tập trung vào danh mục đầu tư cấp thiết, không đầu tư dàn trải nhằm bảo toàn nguồn vốn phục vụ cho đầu tư sau này.
“Do sức mua người tiêu dùng giảm, IPP phải làm việc với các nhà cung cấp, là các thương hiệu tập đoàn đang phân phối, để họ hỗ trợ giảm bớt hàng phải nhập /đơn đặt hàng. Đối với ngành hàng F&B, chúng tôi đã phải đàm phán với nhà cung cấp chuẩn hóa mô hình vì mô hình phân phối tại chỗ trước kia đầu tư lớn, nhưng trong dịch chủ yếu bán qua thương mại điện tử nên không cần mô hình lớn, và chúng tôi cũng thời điểm dịch để mở ra cửa hàng mới với diện tích nhỏ hơn 50%, đồng thời đưa hàng hóa lên thương mại điện tử”, bà Thủy Tiên cho hay.
Nhờ vậy, các giải pháp đồng bộ, doanh nghiệp của “vua hàng hiệu” có thể duy trì mức tăng trưởng 15% trong đại dịch. Bà Lê Hồng Thủy Tiên cũng tiết lộ IPP sẽ ra mắt website outlet bán hàng giảm giá quanh năm để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
IPP Group là tập đoàn đa ngành được thành lập cuối tháng 10/2002. IPP có 17 công ty thành viên và 18 công ty liên kết; hoạt động tại 6 quốc gia gồm Việt Nam, Mỹ, Úc, Hongkong, Singapore, Philippines.
IPP hiện chiếm tới 70% thị phần hàng hiệu, là nhà phân phối cho 108 thương hiệu nổi tiếng thế giới, như Versace, Nike, Rolex, Dolce & Gabbana, Salvatore Ferragamo…
Trong vài năm gần đây, IPP Group lấn sân sang mảng công nghệ, đầu tư – khai thác các sân bay, khu vui chơi giải trí tại Việt Nam.