100% hàng xuất đi Mỹ không bị trả lại nhờ số hóa truy xuất nguồn gốc
(DNTO) - Nhờ kỹ thuật hiện đại về truy xuất nguồn gốc mà 100% hàng hóa khi xuất sang những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Australia... đều không bị trả lại do đáp ứng được những quy định nghiêm ngặt về kháng sinh và hóa chất của nước nhập khẩu.
Hiện nay, nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD. Tuy nhiên, thành tựu luôn đi kèm với thách thức khi thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là việc nông sản cần bảo đảm yêu cầu quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Nhận định về tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chia sẻ tại Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm”, ngày 28/2, ông Henry Bùi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khoa học công nghệ Hoàn Vũ cho biết, Hoàn Vũ là đơn vị có hơn 3.000 lô thanh long xuất khẩu đi các thị trường, trong đó đã tiến hành kiểm định 2.700 lô thanh long/năm vào thị trường châu Âu.
"Đối với những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Australia… truy xuất nguồn gốc là "lệnh bài" quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, hàng hóa nông sản với truy xuất nguồn gốc”, ông Henry Bùi nói.
Còn bà Nguyễn Thị Nga, Điều phối viên dự án của ACIAR, đã chia sẻ về Dự án Thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số trong chuỗi giá trị rau Việt Nam.
Theo đó, Dự án đang được triển khai với 40.000ha tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nơi có điều kiện khí hậu phù hợp để trồng các loại rau ôn đới vào mùa hè. Mỗi năm huyện Mộc Châu và Vân Hồ sản xuất khoảng 70.000 tấn rau theo quy trình VietGAP với giá trị khoảng 30 triệu USD.
Dự án đã giúp người dân ứng dụng ghi chép điện tử để nhập thông tin sản xuất; in tem nhãn tại tại trang trại với thông tin sản phẩm, mã QRcode và mã vạch cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Ngoài ra, với phần mềm mới có thể liên kết, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QRcode sẽ được cung cấp thông tin về nông dân và cây trồng...
"Sản xuất rau theo quy trình VietGAP sẽ cho năng suất cao hơn 110%. Đặc biệt, thị trường sẵn sàng chi trả thêm 30 - 40% chi phí cho rau có chứng nhận VietGAP, nguồn gốc xuất xứ", bà Nga cho hay.
Cũng theo bà Nga, qua nghiên cứu khách hàng cho thấy, đa số người tiêu dùng nghĩ rằng bao bì, chứng nhận và nhãn mác trên bao bì là yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, đa số khách hàng đã sử dụng mã QR để kiểm tra sản phẩm nhưng không kiểm tra thường xuyên do tin tưởng vào nhãn hiệu.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, nhiều doanh nghiệp phải thừa nhận rằng đang gặp khó trong hoạt động truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, nhiều tổ chức xã hội, nhà khoa học… đưa ra những giải pháp mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tuy nhiên, mới chỉ giải quyết được "phần ngọn" nên chưa đạt được hiệu quả cao nhất.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp tới doanh nghiệp và hàng nghìn hộ nông dân, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phân Công nghệ phần mềm AutoAgri, cho rằng để ứng dụng công nghệ số phục vụ truy xuất nguồn gốc thì nền tảng ứng dụng phải linh hoạt, không thể đưa nền tảng đồng nhất ứng dụng cho tất cả mọi nơi được. Điển hình, trong quá trình làm hồ sơ về mã số vùng trồng, thì khoảng 70 – 80% là sao chép của người nọ sang người kia. Điều này không thực tế chút nào.
Một điểm quan trọng khác mà bà Thực nhắc tới là cần phải có phần mềm phù hợp, đặc biệt là phải phù hợp với trình độ của người sử dụng. Điều quan trọng nhất phải khiến doanh nghiệp, người dân cảm thấy chuyển đổi số là dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện, có thể hiện hữu ngay trong hoạt động sản xuất thực tế chứ không chỉ thấy trên các hội thảo, diễn đàn...