Xuất khẩu rau quả, thịt 5 tháng giảm
(DNTO) - Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, nêu trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5/2022 ước tính đạt 300 triệu USD, giảm 11% so với tháng 5/2021. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh vì nước này thực hiện chính sách "Zero Covid".
Trong 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2022, chủng loại quả và rau củ có trị giá xuất khẩu giảm mạnh. Trong đó, trị giá xuất khẩu chủng loại quả đạt 806,4 triệu USD, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các chủng loại quả xuất khẩu chính đều giảm, chỉ có chủng loại quả chuối tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 184,9 triệu USD.
Xuất khẩu chủng loại quả giảm mạnh là do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, bởi trị giá xuất khẩu sang thị trường này chiếm 71% tổng trị giá xuất khẩu chủng loại quả trong 4 tháng đầu năm 2022.
Tiếp theo là chủng loại rau củ xuất khẩu đạt 79 triệu USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hầu hết các chủng loại rau củ chính đều có trị giá xuất khẩu giảm mạnh. Chủng loại rau củ xuất khẩu chủ yếu tới một số thị trường chính trong 4 tháng đầu năm 2022 như: Nhật Bản, thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc.
Tuy thế, chủng loại sản phẩm chế biến, hoa và lá có trị giá xuất khẩu tăng trong 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù mức tăng của các chủng loại này thấp và trị giá chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nên không bù đắp được mức giảm mạnh từ chủng loại quả và rau củ.
Liên quan tới nhu cầu sản phẩm rau quả chế biến ở thị trường Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu dẫn theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, trị giá nhập khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến (mã HS 20) trong tháng 4/2022 đạt 121 triệu USD, tăng 11,2% so với tháng 4/2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Trung Quốc đạt 434,7 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hàng rau quả chế biến chủ yếu từ các thị trường Hoa Kỳ, Brazil, Việt Nam và Thái Lan. Trị giá nhập khẩu từ 4 thị trường này chiếm 52% tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu mặt hàng này Việt Nam đạt 55,5 triệu USD, tăng 12,8%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 4,45 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 18,18 triệu USD, giảm 33,1% về lượng và giảm 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 20 thị trường, gồm các chủng loại thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh...
Trong đó, thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 2,18 ngàn tấn, trị giá 11,05 triệu USD, tăng 42,7% về lượng, nhưng giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.
Hồng Kông là thị trường xuất khẩu sang lớn nhất, chiếm 53,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước. Xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,77 ngàn tấn, trị giá 9,74 triệu USD, giảm 62% về lượng và giảm 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn nguyên con đông lạnh, thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con.