Xăng tăng chạm ngưỡng hơn 24.245 đồng/lít

(DNTO) - Giá xăng dầu đều đồng loạt tăng mạnh, xăng các loại tăng hơn 1.000 đồng/lít, dầu các loại tăng hơn 700 đồng/lít.

Thị trường xăng dầu từ đầu năm đến nay diễn biến ổn định. Ảnh: T.L.
Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92: không cao hơn 23.173 đồng/lít (tăng 1.091 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành)
Xăng RON95-III: không cao hơn 24.245 đồng/lít (tăng 1.120 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành)
Dầu diezen 0.05S: không cao hơn 20.149 đồng/lít (tăng 719 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành)
Dầu hỏa: không cao hơn 19.739 đồng/lít (tăng 702 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành)
Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.194 đồng/kg (tăng 765 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành)
Tại kỳ này thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 150 đồng/lít, xăng RON95, dầu diezen,dầu hỏa đều ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 0 đồng/kg. Không chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diezen và dầu hỏa; chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 3-11/4) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã đồng ý nâng sản lượng cắt giảm tự nguyện từ tháng 5 lên 1,6 triệu thùng mỗi ngày để ổn định thị trường toàn cầu; tâm lý lo ngại lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu…; các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng về rà soát, điều chỉnh khoản chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính đánh giá, từ đầu năm đến nay, tình hình cung cầu xăng dầu trong nước cơ bản ổn định, không có hiện tượng khan hiếm xăng dầu cục bộ tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Bộ Công Thương mới đây đề xuất nâng mức dự trữ xăng dầu từ 9 ngày lên 15 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2023-2025 và nâng lên 30 ngày trong giai đoạn 2026-2030. Cùng với đó, Ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng mỗi năm để mua xăng dầu dự trữ, cao hơn nhiều so với mức 1.500 tỷ đồng mỗi năm hiện nay. Vì vậy, theo Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách Nhà nước.