Vốn ngoại bấp bênh khi định giá thị trường đang hấp dẫn nhất khu vực
(DNTO) - Vốn ngoại đảo chiều rút ròng trong tháng 7 sau ba tháng mua ròng liên tiếp trước nhiều sức ép của việc Fed tăng lãi suất cùng tác động từ các yếu tố vĩ mô nhiều biến động.
Sự đảo chiều sau 3 tháng vào ròng
Tháng 7, thị trường ghi nhận sự thay đổi bất ngờ của vốn ngoại. Tại Quỹ ETF, dòng tiền bị rút mạnh nhất với VFM VNDiamond, VanEck và VFM VN30. Thống kê từ SSI Research cho thấy, dòng tiền VFM VNDiamond bị rút ròng 522 tỷ đồng trong tháng, trong khi 6 tháng đầu năm vào ròng 5.600 tỷ đồng. Cùng đó, VanEck bị hút ròng 300 tỷ đồng, tháng rút mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 và tại VFM VN30 là 120 tỷ đồng.
Tính chung, các quỹ ETF bị rút ròng nhẹ 347 tỷ đồng trong tháng 7 sau khi ghi nhận dòng vốn 8.376 tỷ đồng vào ròng trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù vậy, chiều ngược lại, Fubon vẫn hút được 400 tỷ đồng hay Quỹ SSIAM VNFIN Lead vào 170 tỷ đồng đã hạn chế dòng vốn rút ra.
Tương tự, tại các quỹ chủ động, tháng 7 ghi nhận hơn 163 tỷ đồng bị hút ròng sau 2 tháng vào ròng liên tiếp. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng bị rút ròng tại các quỹ chủ động. Dòng tiền tại các quỹ chủ động chịu sự phân hóa rõ nét, "với việc một số quỹ vẫn liên tục rút ròng, trong khi việc giải ngân cũng được diễn ra ở một số quỹ trong vòng 4 tháng qua nhưng với mức độ giảm dần theo tháng", SSI cho hay.
Trên thị trường chứng khoán, hơn 1 nghìn tỷ đồng được khối ngoại bán ròng. HPG là một trong những mã bị xả hàng nhiều nhất, tiếp đó là sự góp mặt của nhiều cổ phiếu địa ốc như VHM, NVL, DXG hay VIC. Tuy nhiên, loại trừ việc KDC có giá trị mua ròng đột ngột gần 980 tỷ đồng, thì khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 2 nghìn tỷ đồng.
Việc ra đi của vốn ngoại trên thị trường cổ phiếu, nguyên nhân được cho là đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái tăng lãi suất tới 1 điểm phần trăm thay vì 0,75 điểm trong giữa tháng 7 vừa qua, mức cao từ năm 2018. Trước sự bất ổn của tình hình lạm phát và nhiều yếu tố vĩ mô, sự rút vốn của khối ngoại cũng là điều dễ hiểu.
Định giá thị trường trong nước hiện tại đang ở mức thấp. Hệ số P/E của thị trường tính đến ngày 5/8 ở mức 13,4x, mức thấp so với các thị trường khác trong khu vực như Philipines là 18,1x; Thái Lan là 17,0x hay Malaysia là 16,3x, Indonesia 15,5x.
Kỳ vọng tháng 8
Việc vốn ngoại đảo chiều rút ròng trong tháng 7 có quy mô không quá cao, và được nhận định khó trở thành xu thế, tuy nhiên cũng ít nhiều tác động đến thị trường tháng 7 khi dòng vốn nội cũng yếu thế dần trong giai đoạn này.
Tuần qua, nhiều tín hiệu tích cực hơn khi vốn ngoại bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại và Vn-Index ghi nhận đà tăng tốt. Trong khi đó, xu hướng mua ròng cũng đã xuất hiện tại nhiều thị trường cho thấy dấu hiệu tốt của vốn ngoại.
"Điểm tích cực trong tháng là chúng tôi quan sát thấy giao dịch khối ngoại tại các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia đã chuyển dịch sang mua ròng trong tháng 7 hay mức độ bán ròng giảm mạnh như quan sát thấy ở Indoneasia và Phillipines", SSI cho biết.
Tháng 8, thời gian chuyển tiếp trước cuộc họp Fed vào tháng 9, khi các thông tin về lãi suất cho đợt điều chỉnh kế tiếp còn chưa rõ ràng, dòng tiền đầu tư trên thế giới được kỳ vọng trở lại thị trường cổ phiếu. Mặc dù rủi ro chưa phải hết, quy mô giải ngân có thể bị thu hẹp so với trước nhưng dư địa cho việc giảm mạnh hơn nữa sẽ bị hạn chế.
Đặc biệt các chính sách điều hành linh hoạt từ phía Ngân hàng Nhà nước được cho là cơ sở quan trọng để dòng vốn ngoại tìm về, nhất là khi dòng vốn vào cổ phiếu toàn cầu trong thời gian qua đã phần nào phản ánh những rủi ro trước mắt.
Ngoài ra, các sản phẩm mới ra mắt như quỹ DCVFMVNMIDCAP (tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa thuộc chỉ số VNMidcap) và quỹ KIM VNFINSELECT (tập trung vào các cổ phiếu tài chính thuộc chỉ số VNFIN Select) đang tạo nên sự đa dạng trong danh mục đầu tư.
Có thể nói, với mức định giá hấp dẫn cùng triển vọng dài hạn của thị trường trong nước sẽ tạo sức hút với nhà đầu tư ngoại, nhất là khi tăng trưởng lợi nhuận bình quân các doanh nghiệp niêm yết ước tính sẽ đạt 19,6% cho năm 2022 và 14,8% cho năm 2023, theo dự đoán của SSI. Sự tham gia của dòng vốn ngoại sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của thị trường chứng khoán nói riêng cũng như nền kinh tế trong nước nói chung.