Viện trưởng CIEM: Doanh nghiệp phải có biện pháp căn cơ để vượt khó
(DNTO) - Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, sớm thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, thì bản thân các doanh nghiệp phải có biện pháp căn cơ để vượt khó.
Tại Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững”, diễn ra chiều 23/3, TS. Trần Thị Hồng Minh biết, trải qua hai năm rưỡi ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong và ngoài nước.
Đáng lo ngại, tình hình lạm phát tăng ở nhiều quốc gia sẽ diễn biến trầm trọng hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo cập nhật tháng 3/2023 của Ngân hàng Thế giới đã dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể tăng trưởng ở mức 6,3%.
Bên cạnh đó, Viện trưởng CIEM đã chỉ ra 4 khó khăn, thách thức chính mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Khó khăn thứ nhất theo bà Minh, trên bình diện chung, tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn.
Thứ ba, theo bà Minh, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. "Chúng ta đều biết, khoảng 97-98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp này đều gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận tài chính chính thức. Mặt khác, những khó khăn trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu thời gian vừa qua đã làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp thông qua các kênh này", bà Minh nói.
Thứ tư là việc bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu làm việc trong bối cảnh mới. Hiện nay, theo thống kê, trình độ/chất lượng kỹ năng của người lao động Việt Nam chậm được cải thiện.
Để giải quyết các thách thức này, bà Minh cho biết, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững. Đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
"Cần duy trì, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá tiếp tục là những ưu tiên quan trọng để hỗ trợ và tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp. Điểm quan trọng là các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với doanh nghiệp cần tiếp cận vốn thì 'một miếng khi đói bằng một gói khi no'", Viện trưởng CIEM bày tỏ.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp, cho biết tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững là vấn đề thời sự, cấp bách của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, khi kinh tế toàn cầu có nhiều biến động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để tái định vị doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, cần phải dự báo tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khoẻ thực tế của doanh nghiệp.
Đề cập đến vai trò của doanh nghiệp Nhà nước với cốt lõi là 19 tập đoàn, tổng công ty, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, tuy các doanh nghiệp Nhà nước này chiếm tỷ lệ nhỏ trong các doanh nghiệp Nhà nước nhưng lại đang sở hữu nguồn vốn lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhà nước có vai trò dẫn dắt, thực hiện các phần việc các thành phần kinh tế khác không làm.
"Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực kinh tế công và kinh tế tư nhân. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp nhưng việc thực thi chưa đạt kết quả như mong muốn. Một số địa phương thiếu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc bảo lãnh tín dụng chưa thực hiện được, thậm chí điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận còn khó hơn vay ngân hàng. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ để doanh nghiệp phát triển", ông Long bày tỏ.
Ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay chưa có báo cáo đầy đủ, đánh giá cụ thể và tổng thể về những khó khăn, thách thức của tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế. Từ đó, đề xuất kiến nghị Chính phủ có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn.
"Để “cứu” doanh nghiệp một cách kịp thời, hiệu quả, chính xác không ai bằng chính các doanh nghiệp, Chính phủ sẽ tạo cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp mong muốn VCCI tiếp tục tổng hợp ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp nhiều hơn nữa", ông Long đề xuất.
Về phần mình, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững xuất phát từ câu chuyện khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều, trong bối cảnh hậu Covid-19 và biến động chung của thế giới diễn ra.
"Gần đây, những biến động trên thị trường tài chính ngân hàng thế giới, những “thành trì” tưởng như rất kiên cường, những yếu tố mà doanh nghiệp có thể dựa vào ổn định, vững chắc như hệ thống ngân hàng của Thụy Sĩ (ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sĩ) cũng đã sụp đổ. Điều này khiến các nhà doanh nghiệp phải đặt ra câu hỏi: Vậy chúng ta phải định vị lại doanh nghiệp của mình như thế nào để tồn tại và phát triển?", Chủ tịch VCCI nêu vấn đề.
Theo Chủ tịch VCCI, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước.
"Thêm một yếu tố chúng ta cần quan tâm đó là bối cảnh, mục tiêu phát triển của Việt Nam đã khác. Chúng ta đã có giai đoạn chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường và thành phần kinh tế tư nhân xuất hiện để phát triển, sau đó là giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Trong vòng chưa đầy 25 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại, thì cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta cũng phải văn minh hiện đại. Không phải phát triển chỉ để kiếm lợi nhuận mang về cho bản thân, mà cần phải phát triển bền vững, quan tâm đến các yếu tố xã hội, môi trường, quản trị doanh nghiệp ESG, quan tâm đến đạo đức, văn hóa kinh doanh...", Chủ tịch VCCI cho hay.