‘Nhiều người không có nhu cầu bán hàng đa cấp nhưng vẫn vào công ty đa cấp’
(DNTO) - Theo Luật sư, có người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp nhưng nghĩ rằng đó là bán cơ hội làm giàu chứ không phải người bán sản phẩm.
Người tiêu dùng tiếp tay cho đa cấp biến tướng
Năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận 20 lượt khiếu nại, đơn kiến nghị, 26 lượt đơn tố cáo… liên quan đến bán hàng đa cấp. Ông Hồ Tùng Bách, Phó trưởng Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thừa nhận số lượng khiếu nại này chỉ phản ánh một tỉ lệ nhỏ số lượng người tiêu dùng đang gặp phải. Những rủi ro trong kinh doanh đa cấp một phần do ý thức của doanh nghiệp trong ngành chưa tốt, nhưng một phần cũng do nhận thức người dân còn hạn chế.
“Trong quá trình tiếp nhận phản ánh, có những người tiêu dùng hỏi rằng doanh nghiệp này có phải doanh nghiệp bán hàng đa cấp không. Sau khi xác nhận doanh nghiệp chưa được cấp phép, họ vẫn tin rằng đó là do doanh nghiệp muốn hoạt động kín kẽ, chưa đến lúc cần phải đăng kí với cơ quan quản lý nên tên của họ chưa có trên website của Cục. Điều đó cho thấy nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng ở ngưỡng rất hạn chế”, ông Bách nêu ví dụ trong tạo đàm “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn trong bán hàng đa cấp”, hôm 20/3.
Trong lĩnh vực này, người tham gia bán hàng đa cấp cũng là người tiêu dùng. Nhưng theo Luật sư Võ Đan Mạch, Chánh văn phòng Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, người tiêu dùng đôi khi không có nhu cầu bán hàng đa cấp nhưng vẫn vào công ty đa cấp.
“Cần phải để người tiêu dùng hiểu rằng người bán hàng đa cấp là người bán sản phẩm chứ không phải bán cơ hội làm giàu. Cho nên ai có nhu cầu mua thì gặp người bán, ai có nhu cầu kinh doanh kiếm tiền thì làm nhà phân phối để bán hàng, không thì thôi. Phải làm cho người tiêu dùng hiểu rằng các doanh nghiệp trong ngành bán hàng đa cấp phải có cấp phép, còn lại là bất chính”, ông Mạch nói.
Cũng theo vị luật sư, hiện Bộ Công thương yêu cầu nếu doanh nghiệp muốn bán hàng đa cấp thì phải có hệ thống xử lý khiếu nại. Bất cứ lúc nào người tiêu dùng nếu gọi đến hệ thống mà không liên lạc được là doanh nghiệp có vấn đề, không minh bạch. Tuy nhiên đôi khi người tiêu dùng lại bao che cho các hành vi đó vì lợi ích riêng hoặc thiếu hiểu biết. Công tác tuyên truyền như vậy, giúp người tiêu dùng nhận ra những điều này.
Vàng thau lẫn lộn
Trên thị trường hiện chỉ có 22 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đa cấp với hơn 800.000 người tham gia, kinh doanh hơn 7.000 mặt hàng. Năm 2021, doanh thu ngành đa cấp đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước đó, đóng góp 2.819 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước (theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương).
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, số lượng bán hàng đa cấp có phép đã giảm đi, nhưng hiện tại vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp hoạt động bất chính. Quy định pháp luật yêu cầu doanh nghiệp ngành này phải cung cấp thông tin minh bạch, tức đơn vị cởi mở, sẵn sàng cung cấp thông tin trung thực về toàn bộ hoạt động của mình. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn “nhập nhèm”, vẫn cung cấp thông tin nhưng không đầy đủ.
“Ví tôi thu nhập một tháng 10 triệu, nhưng chỉ công bố là 5 triệu, thì cũng là công bố thông tin nhưng không phản ánh đúng bản chất của sự việc. Doanh nghiệp phải có trang web thông tin mặt hàng, chất lượng, giá cả rõ ràng… Nếu có sự minh bạch thì sẽ tạo được niềm tin với người tiêu dùng”, ông Long nói.
Theo Luật sư Võ Đan Mạch, hiện Chính phủ xây dựng Nghị định 40 cùng Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, cũng đưa ra rất nhiều trách nhiệm dành cho doanh nghiệp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp. Quản lý của cơ quan chức năng và xây dựng văn bản pháp luật khá đầy đủ và minh bạch, vừa bảo vệ doanh nghiệp, vừa bảo vệ người tiêu dùng.
Ví dụ ngoài vận hành hệ thống khiếu nại, doanh nghiệp đa cấp phải vận hành hệ thống kiểm soát toàn bộ giao dịch, lịch sử bán hàng, chỉ cần đăng nhập sẽ kiểm tra được toàn bộ đường đi của hàng hóa từ doanh nghiệp – người bán – người mua. Người bán hàng phải trải qua các khóa đào tạo để được cấp thẻ bán hàng đa cấp và xuất trình thẻ khi bán hàng. Nếu thông tin gian dối về sản phẩm thì khách hàng có quyền khiếu nại về doanh nghiệp.
Nhưng thực tế, khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, quá trình trao đổi giữa người bán và người mua rất khó kiểm soát. Từ đó nó có những biến tướng trong hoạt động đa cấp xuất phát từ ý thức của người tham gia.
“Một số doanh nghiệp thời gian qua là mặc kệ người tham gia muốn làm gì thì làm, dẫn đến thiệt hại của người tiêu dùng, khi có khiếu nại buộc Bộ Công thương phải rút giấy phép của doanh nghiệp đó”, ông Mạch nói và cho biết trách nhiệm của doanh nghiệp và phải kiểm tra, giám sát hệ thống kinh doanh của mình.
Ông Hồ Tùng Bách, Phó trưởng Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, mặc dù thời gian qua, hoạt động kinh doanh đa cấp đã có sự phát triển ổn định, số vụ gây hậu quả nghiêm trọng đã giảm rất nhiều so với thời gian 2016 trở lại trước. Các doanh nghiệp đa cấp đã dần xây dựng được thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đóng góp tốt cho ngân sách nhà nước, nhưng đây vẫn là hình thức kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vì vậy, trong Nghị định sửa đổi Nghị định 40 về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp và Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tới đây sẽ có thêm nhiều điều chỉnh để siết hoạt động này, bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng.