Vì sao phiên ATC lại rơi mạnh?
(DNTO) - Chỉ sau khoảng vài chục phút cuối phiên, thị trường chứng khoán ngày 23/11 mất hơn 20 điểm trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư. Nhiều cổ phiếu bất động sản đang có đà tăng tốt cũng bất ngờ nằm sàn.
Thị trường chứng khoán ngày 23/11 diễn biến đầy bất ngờ vào cuối phiên. Nhà đầu tư lại được chứng kiến một phiên ATC "thất thủ" khi chỉ số bị đạp sâu hơn 25 điểm dù trước đó thị trường vẫn ghi nhận tăng nhẹ so với phiên hôm qua.
Tình thế đảo ngược cũng diễn ra với nhiều cổ phiếu bất động sản. Các mã DIG, PDR, DXG... cũng bị cuốn vào đà giảm mạnh của phiên ATC phải chịu cảnh giá sàn với mức giảm đều gần 7%. Mã NVL từng tăng dồn dập trên 4% từ phiên sáng cho đến đầu phiên chiều nhưng kết phiên lại giảm 2% so với phiên liền trước.
Tình thế đảo ngược của chỉ số đã kéo thị trường chìm trong sắc đỏ với hơn 450 mã giảm giá, hơn 830 mã giảm giá và 47 giảm kịch sàn.
Giảm mạnh nhất là nhóm chứng khoán với mức giảm trên 6%, tiếp đó là bán lẻ trên 4%, bất động sản giảm trên 2%, ngân hàng giảm 1,7%.
Kết phiên, chỉ số VN-INdex lại hoàn toàn đánh mất mốc 1.100 điểm, chỉ còn 1.088 điểm. Thanh khoản không thay đổi nhiều so với phiên liền trước.
Điều gì khiến thị trường rơi mạnh?
Diễn biến trên không phải mới với chứng khoán trong nước khi trước đó thị trường đã nhiều lần ghi nhận nhiều phiên ATC đỏ lửa với mức giảm trên 20 điểm, tuy nhiên cũng không ít phiên ATC lại đảo ngược tăng vọt điểm số.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Chứng khoán Maybank Investment Bank, từng chia sẻ, việc ATC biến động mạnh là không hiếm trong một - hai năm qua và đây cũng điều hết sức bình thường, không có gì bất thường.
Phiên ATC hôm nay với sự tham gia của các "tay to" rơi vào giảm sâu cho thấy hàng trên thị trường bị ế, lực cầu lại quá yếu không đủ sức hấp thụ nguồn cung được đưa ra dồn dập và tập trung nhiều ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn trong nhóm VN30.
Thị trường đã tăng liên tiếp ba phiên liền trước, tuy nhiên trước đó ngày 17/11, chỉ số lại giảm sâu hơn 24 điểm. Lượng cổ phiếu giá rẻ của ngày 17/11 có lẽ đã nhân dịp này được nhà đầu tư mang ra tranh thủ chốt lời. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy nguồn cung tăng lên, gây nên tình trạng dư hàng trong phiên hôm nay.
Mặt khác, tâm lý có phần bi quan trong phiên có thể kể đến phần nào sự ảnh hưởng từ các thông tin mới của vụ án Vạn Thịnh Phát. Theo bản cáo trạng của cơ quan điều tra, số tiền bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt lên đến 304 ngày tỷ đồng thông qua Ngân hàng SCB. Và nếu cộng với số tiền lãi phát sinh hơn 129 ngàn tỷ đồng chưa thanh toán, số tiền thiệt hại lên tới hơn 415 ngàn tỷ đồng. Con số khổng lồ này cùng với danh sách hàng loạt bị cáo bị truy tố đã gây tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư.
Hiện tại các thông tin vĩ mô khác vẫn không có nhiều thay đổi. Do đó, phiên giao dịch hôm nay có thể chỉ là một biến động tạm thời và cần theo dõi thêm ở các phiên tiếp theo.
Xét theo kỹ thuật, VCBS cho biết, ở khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI đã hướng xuống tiêu cực và giảm dưới khu vực đáy cũ, điều này cho thấy rủi ro ngắn hạn đã gia tăng. "Hỗ trợ gần nhất của VN Index là quanh khu vực 1080 nhưng cũng là khá mong manh", các chuyên gia nhận định.
Dù vậy, đây cũng là cơ hội tốt để các nhà đầu tư tranh thủ giải ngân với các cổ phiếu đã đạt được mức giá hợp lý. Với các cổ phiếu đã đạt nguyện vọng lợi nhuận, nhà đầu tư cũng nên tranh thủ chốt lời để bảo vệ thành quả của mình.