Vận may của các công ty dầu mỏ vẫn chưa thuyết phục được Wall Street
(DNTO) - Các công ty Exxon, Chevron và Shell đều công bố lợi nhuận kỷ lục, minh chứng cho “cơn khát” dầu hoả của thế giới vẫn chưa kết thúc. Thế nhưng, giới đầu tư Phố Wall vẫn còn nghi ngại.
Những công ty dầu hoả lớn nhất phương Tây, bao gồm Exxon Mobil Corp., Chevron Corp. và Shell PLC, đồng loạt đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 132 tỷ đô la trong 2022 và trả lại cho cổ đông 78 tỷ đô la thông qua mua lại cổ phiếu và cổ tức. Con số này đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2014, khi giá dầu vượt mức 100 đô la/thùng.
Trong năm ngoái, 15 trong số 20 công ty có cổ tức cao nhất trên bảng S&P 500 đều nằm trong ngành dầu hỏa. Đáng kể nhất là Occidental Petroleum Corp., đã có thể đưa lại cho cổ đông 119% cổ tức, theo dữ liệu của Down Jones. Ngành năng lượng đã vượt qua cả ngành công nghệ, trở thành phân khúc đứng đầu trong S&P 500 trong vòng hai năm qua.
Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn đang rất cẩn trọng. Tỷ trọng cổ phiếu ngành năng lượng trong S&P 500 đã tăng khoảng 4,9%, chỉ hơn 2% so với mức thấp nhất trong thời đại dịch Covid. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng cao nhất của ngành, đạt 16,2% trong quý 2/2008.
Nhiều cổ đông đã rời bỏ cổ phiếu của các công ty năng lượng Mỹ, lo sợ lặp lại tình cảnh lỗ ngay sau đợt tăng cao như những năm 2010. Trong khi một số quỹ đầu tư khác từ bỏ ngành dầu hỏa với lý do lo ngại ô nhiễm.
Hiện trạng thực tế cho thấy “cơn khát” dầu hỏa của thế giới vẫn đang rất mạnh, mặc cho chính quyền các nước cũng như các tập đoàn lớn đang tìm cách theo đuổi công cuộc chuyển giao sang năng lượng sạch. Tuy vậy, cuộc chuyển giao đó diễn ra quá chậm chạp.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine còn làm vấn đề trầm trọng hơn nữa. Giá dầu hỏa được thổi phồng do thị trường tiêu dùng tại Mỹ, cộng với châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí đốt.
Theo Brad Demicco, chuyên gia của Southern Methodist University: “Giới đầu tư đã đoán sai thời điểm thị trường có thể rời bỏ dầu hỏa và khí đốt”. Ông cho rằng ngành năng lượng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn các ngành khác trong nhiều năm. Tuy vậy, có vẻ như giới đầu tư đã dần rời bỏ ngành này.
“Mức vốn chung đã co lại vĩnh viễn”, ông Demicco nhận xét.
Trong khi giới đầu tư lạnh nhạt với cổ phiếu Exxon, Chevron, Shell và BP PLC, thì một câu hỏi lớn được đặt ra là: Liệu các hãng này sẽ làm gì với những mức doanh thu khổng lồ kia? Và liệu họ sẽ quay sang đầu tư vào năng lượng sạch?
Có vẻ như các công ty năng lượng có những câu trả lời khác nhau. Exxon và Chevron đã từ chối đổ tiền vào đầu tư cho các loại năng lượng sạch như gió và mặt trời. Ngược lại, họ tìm cách cắt giảm chi phí và theo đuổi “nghề” mà họ đã quen thuộc nhất. Trong khi đó, Shell và BP đã cam kết nhiều vốn đầu tư cho năng lượng sạch và các loại năng lượng ít ô nhiễm.
Giới đầu tư đã đồng tình nhiều hơn cho Exxon và Chevron. Trong năm vừa qua, giá cổ phiếu của Exxon tăng 37%, Chevron tăng 25%, trong khi Shell chỉ tăng 19% và BP lên được 20%.
Cổ đông tin rằng các công ty dầu hoả nên đặt ưu tiên hàng đầu vào việc sinh ra lợi nhuận, chứ không phải đầu tư vào các dự án xa vời vốn mất rất nhiều thời gian để trưởng thành.
Mặt khác, có rất nhiều áp lực từ các quỹ vốn lương hưu của châu Âu, quỹ vốn chính phủ và các nhóm bảo vệ môi trường. Quan chức chính phủ nhiều nước châu Âu lẫn chính quyền Biden tại Mỹ đều đã kêu gọi các công ty năng lượng hướng về phát triển năng lượng sạch, kèm theo rất nhiều biện pháp tài chính, trong đó có tăng thuế.
Các công ty dầu hoả cho biết Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ đang hỗ trợ cho các dự án năng lượng sạch. Thế nhưng vẫn còn có quá nhiều trở ngại, chẳng hạn như thiếu hụt nguyên liệu, chính sách chính phủ và nhất là khi nhiều công nghệ như thu hồi carbon và hydro vẫn chưa "trưởng thành" hoàn toàn.