Văn hóa thần tượng: Chuyện xưa nhưng không cũ

(DNTO) - Có hay không văn hóa thần tượng? Biết chọn người làm thần tượng; ngưỡng mộ họ chứ không mê muội, cuồng si, đó mới là biểu hiện văn minh, có văn hóa.
Thần tượng là ai?
Đại đa số chúng ta, nhất là các bạn trẻ, ai cũng có một "thần tượng" của riêng mình. Thần tượng có khi bền bỉ, có khi thay đổi theo từng thời kỳ, có khi đơn giản chỉ là "đu trend" mà thôi. Thần tượng có khi là một người rất gần gũi như ông bà, cha mẹ…, có khi là một tập thể hoặc một cá nhân nào đó ở bất kỳ đâu mà ta ngưỡng mộ bởi tài năng hay phẩm chất.
Ngày nay, khái niệm thần tượng đang dần dần đổi khác trong suy nghĩ ở một bộ phận người, nhất là giới trẻ. Một phần do các tiêu chí về thần tượng, về cái đẹp có sự thay đổi theo quan điểm thời đại, một phần do cái nhìn về thần tượng bị lệch chuẩn theo thị hiếu đám đông; bị đám đông dẫn dắt, đáng lẽ là ngưỡng mộ thì họ sa vào mê muội thần tượng.

Vì quá hâm mộ mà đòi "chửa, đẻ" với thần tượng, một việc làm đáng phê phán. Ảnh: TL
Tùy vào tư tưởng, quan điểm sống mà mỗi người có riêng cho mình một “thần tượng”. Đó có thể là một doanh nhân, một vận động viên, một ca sĩ, diễn viên, hoa hậu hay một nhóm nhạc… hoặc đơn giản đó là một người đã chiến thắng những khó khăn trong cuộc sống. Miễn sao họ có tài năng thật sự, vượt trội, có câu chuyện truyền cảm hứng mãnh liệt, ảnh hưởng đến lối sống tích cực của người khác, có cống hiến cho xã hội, cho đất nước.
Cũng có khi thần tượng với một số người không nhất thiết phải là một cá nhân. Như trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua, được rất nhiều người ngưỡng mộ, tôn vinh và lấy làm thần tượng chính là đội ngũ các “thiên thần áo trắng”, những người đóng vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu, đối mặt với hiểm nguy để cứu lấy sinh mạng người dân với biết bao câu chuyện cảm động lấy đi nhiều nước mắt của mọi người.
Thể hiện tình cảm với thần tượng phải có văn hóa, văn minh
Nói về văn hóa thần tượng, nhắc lại chuyện cách đây vài năm trước nghĩ cũng không thừa. Chuyện xảy ra ở buổi biểu diễn của nhóm Super Junior tại MTV Exit Vietnam ở Mỹ Ðình, Hà Nội. Hàng nghìn fans đã chen lấn, giẫm đạp, làm 40 người ngất xỉu, nhiều người khác bị thương tích.
Tương tự, trong sự kiện Lễ hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam - Hàn Quốc 2017, cũng tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, hàng nghìn bạn trẻ chen lấn, xô đẩy, leo trèo gây nên cảnh tượng hỗn loạn khiến nhiều người ngất xỉu.

Khá Bảnh trước khi vào tù cũng từngcó nhiều fan hâm mộ. Ảnh: TL
Cao trào là hình ảnh một nam thanh niên gào khóc khi nhìn thấy các cô gái của nhóm T-ara khiến cộng đồng rất “sốc”. Nhưng có lẽ đỉnh điểm và gây không ít “phẫn nộ” trong dư luận khi ấy là thông tin về một nhóm bạn gái trẻ quỳ xuống hôn lên cái ghế mà ca sĩ Bi Rain (Hàn Quốc) đã ngồi khi lưu diễn tại Hà Nội vào năm 2012.
Hay như trường hợp “dở khóc dở cười” của một nữ sinh Đại học Kinh tế quốc dân khi trót nói muốn có con với các cầu thủ U23 Việt Nam trước chiến thắng U23 Qatar, bước vào trận chung kết trong khuôn khổ giải U23 châu Á vào năm 2018. Sau khi đọc thấy dòng trạng thái của bạn gái trên trang cá nhân, anh bạn trai của cô gái này đã rất bức xúc và phản ứng quyết liệt, thậm chí đòi chia tay.
Vì quá hâm mộ mà đòi được "chửa, đẻ" với thần tượng, bạn gái trẻ nói trên không biết rằng dẫu có hiện đại đến mấy, phụ nữ Việt Nam vẫn luôn biết giữ gìn phẩm hạnh của mình, biết cách biểu lộ tình cảm với người khác phái một cách quyết liệt nhưng vẫn e ấp, thanh tao, không sỗ sàng, trơ trẽn, nhất là ở giữa đám đông.
Gần đây hơn, hiện tượng CEO Nguyễn Phương Hằng cũng gây ra một làn sóng cuồng thần tượng. Hãy khoan nói đến khái niệm thần tượng với nhiều quan điểm trái chiều. Bài viết này chỉ đề cập đến hậu quả của việc cuồng thần thượng một cách bất chấp: Để bảo vệ thần tượng của mình, Vương Quốc Thịnh (ở Bình Định) đã tấn công báo điện tử VOV. Hậu quả, đương sự đã bị khởi tố và xử lý theo quy định pháp luật. Cùng sự việc trên còn có P.T. (16 tuổi, ở Lâm Đồng) cũng được xác định là một trong số nhiều người đã có hành vi tấn công trang báo điện tử vov.vn. Sau khi làm rõ, thiếu niên này bị xử phạt 7,5 triệu đồng.

P.T., người được xác định là người đã có hành vi tấn công trang báo điện tử vov.vn, tại cơ quan điều tra. Ảnh: TL.
Cũng liên quan đến “thần tượng” Nguyễn Phương Hằng, giữa lúc một ca sĩ nổi tiếng đang biểu diễn trên sân khấu, một khán giả ngồi bên dưới bất ngờ đứng lên hô to tên nữ doanh nhân. Khi người này bị yêu cầu rời khỏi buổi biểu diễn, một cuộc tranh chấp đã xảy ra khiến lực lượng cơ quan chức năng phải xuất hiện để ổn định tình hình.
Thật ra, việc thần tượng một ai đó là nhu cầu cơ bản trong sự phát triển nhân cách của giới trẻ. Đó là nhu cầu thể hiện quan điểm, tình cảm, hiểu biết những vấn đề xung quanh thần tượng của mình. Nhưng tôn thờ thần tượng tới cực đoan, rơi vào tuyệt đối hóa hình ảnh của họ, sẵn sàng bảo vệ thần tượng, thậm chí bất chấp tính mạng của mình, làm tổn thương người khác, tổn hại nhân cách bản thân, xa rời các giá trị văn hóa truyền thống thì việc hâm mộ trở nên đáng lo ngại và cần can thiệp.