Ứng phó sao với gạo Ấn Độ?
(DNTO) - Hiện đã có nhiều căn cứ để suy đoán rằng, việc chuyển hướng sản xuất gạo trắng sang gạo thơm ở nước ta đã quá đà, dẫn đến không ít những bất cập.
Trong điều kiện xuất khẩu, cũng như tiêu thụ lúa gạo Việt Nam không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”, việc xuất khẩu lúa gạo Ấn độ tăng đột biến trong những tháng đầu năm nay là những dấu hiệu không lành.
Do vậy, việc các nhà quản lý “xắn tay áo” vào cuộc cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề có lẽ còn quan trọng hơn là truy tìm những nguyên nhân dẫn tới thực trạng đó để phòng ngừa từ xa.
Hai thái cực đối lập
Nếu nhìn vào các số liệu thống kê, sẽ không khó để nhận ra rằng, xuất khẩu gạo của chúng ta và Ấn độ đang ở hai cực đối lập rất rõ ràng. Với gần 8,1 triệu tấn gạo trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Ấn độ đã tăng gần 2,1 lần, trong khi xuất khẩu gạo của chúng ta chưa đạt 2 triệu tấn, giảm 6,4% (ước tính 6 tháng đạt gần 3 triệu tấn, giảm mạnh 14,9%). Không những vậy, với những dấu hiệu cho tới thời điểm này, có nhiều khả năng xu thế này sẽ còn tiếp tục trong những tháng tới.
Nếu nhìn vào “rổ gạo xuất khẩu” của chúng ta và đối thủ cạnh tranh này, cũng sẽ không khó để nhận ra tình trạng đối lập đó. Trong khi xuất khẩu gạo thơm Pausa Basmati nổi tiếng của Ấn độ trong cùng kỳ chỉ đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm mạnh tới 20,9%; còn gạo trắng (Non Basmati) lại tăng siêu bùng nổ 3,45 lần, đạt gần 6,5 triệu tấn. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ, gạo trắng xuất khẩu của nước ta trong cùng kỳ chỉ đạt hơn 900 nghìn tấn, giảm tới 12,8%; còn xuất khẩu gạo nếp và gạo thơm lần đầu tiên vượt gạo trắng, đạt hơn 1 triệu tấn, tăng nhẹ 5,,4%.
Có nhiều khả năng nguyên nhân của tình trạng đối lập này là do sự đối lập của giá cả. Các số liệu thống kê của FAO cho thấy, trước đây, giá các loại gạo trắng của nước ta thường vẫn thấp hơn của Ấn độ, nhưng gần đây đã vượt lên nhanh, năm 2020 cao hơn hơn 50 USD/tấn, còn 5 tháng đầu năm nay cao hơn trên dưới 100 USD/tấn, tương ứng với 23,8 – 27,4%.
Nguyên nhân “kép” khiến giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ rất “mềm” như vậy chính là, chính sách hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất lúa gạo và lúa mỳ cộng với thời tiết thuận lợi khiến tổng sản lượng hai loại lương thực chủ yếu này liên tục tăng và xác lập những kỷ lục mới từ 2018 trở lại đây. Trong khi đó, dù tiêu dùng cũng liên tục tăng, nhưng kho dự trữ hai loại lương thực đã liên tục tăng mạnh, trong đó tăng đột biến từ năm 2019.
Đây chắc chắn là lý do khiến Ấn độ bắt đầu “xả kho” gạo trắng dự trữ khổng lồ từ tháng 6 năm ngoái, đẩy khối lượng gạo trắng xuất khẩu tăng vọt 1,7 lần năm 2020 khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng với “siêu” kỷ lục xuất khẩu 14,3 triệu tấn, và quá trình đó còn tiếp diễn mạnh hơn nữa.
Cần duy trì giá hợp lý
Hiện đã có nhiều căn cứ để suy đoán rằng, việc chuyển hướng sản xuất gạo trắng sang gạo thơm ở nước ta đã quá đà, dẫn đến không ít những bất cập.
Đó trước hết là, khối lượng gạo thơm và gạo nếp xuất khẩu của nước ta đã lần đầu tiên vượt gạo trắng, và khối lượng gạo trắng xuất khẩu đã giảm như đã nói trên. Từ đó, cũng có thể suy đoán rằng, do giá gạo trắng xuất khẩu của chúng ta quá cao đã khiến những quốc gia bạn hàng vốn lâu nay rất “chung thuỷ” với gạo trắng “Made in Vietnam” đã quay lưng lại với chúng ta để chuyển sang nguồn cung với giá rất “mềm” của Ấn độ, cũng như các đối thủ cạnh tranh khác.
Tiếp theo, cũng do tình trạng ngược chiều nhau trong sản xuất đó, chúng ta có lẽ đã rơi vào tình thế ngược lại so với mong muốn. Đó là, hiệu quả sản xuất lúa cho gạo thơm có lẽ đã thấp hơn so với lúa cho gạo trắng, bởi giá chào xuất khẩu gạo thơm so với gạo trắng, như các số liệu thống kê của FAO cho thấy, chỉ cao hơn không đáng kể.
Cuối cùng, những bất cập về giá cả chính là nguyên nhân khiến gạo trắng giá rất “mềm” của Ấn độ đổ bộ vào nước ta. Rõ ràng, với giá rất “mềm” đó, gạo trắng nhập khẩu từ Ấn độ hoàn toàn có thể thu được lợi nhuận không nhỏ nếu tiêu thụ trong nước, còn nếu được “phù phép” để biến thành gạo “Made in Vietnam” để tiêu thụ trong nước, hoặc xuất khẩu thì đó đều là những hành vi không thể chấp nhận được.
Nói tóm lại, cho dù tươi mới là lợi thế rất lớn, nhưng giá cả cao ngất ngưởng so với tất cả các đối thủ cạnh tranh thì khối lượng xuất khẩu giảm là điều không có gì lạ. Do vậy, trong điều kiện chúng ta vẫn là quốc gia xuất khẩu gạo lớn, thị trường xuất khẩu lại luôn luôn biến động, làm thế nào để “đo lường” những biến động đó để định hướng sản xuất và duy trì giá cả ở mức phù hợp là vấn đề luôn luôn mới đặt ra.