Trong tình hình mới, doanh nghiệp sẽ không vận hành như một cỗ máy
(DNTO) - Theo các chuyên gia, tình hình kinh doanh hiện nay là chưa từng có tiền lệ, nên nếu muốn tái thiết lại như thời điểm trước, điều mà các doanh nghiệp nên làm ngay chính là thay đổi chính mình.
Doanh nghiệp cần tổ chức như một thực thể sống
4 tháng giãn cách, có doanh nghiệp phải chật vật với "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến", đơn vị nào không đáp ứng được thì "tê liệt" hoàn toàn. Sự đình trệ gây nên nhiều hệ lụy như đứt gãy chuỗi cung ứng, sự dịch chuyển và "chảy máu" lao động. Trong đó, ngay khi đã có thể khôi phục lại hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn còn loay hoay giải quyết bài toán thiếu hụt lao động và xây dựng hệ thống phòng thủ để bảo vệ nguồn lực trước những nguy cơ có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Trong công tác quản trị doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo thường trăn trở rằng có thể áp dụng cách quản trị cũ hay không? Nên cho nhân viên làm việc thế nào và xây dựng chính sách doanh nghiệp ra sao?
Chia sẻ về vấn đề này trong "Webinar: Quản trị nhân sự thời kỳ mới - vững vàng vượt vũ" do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức, chuyên gia về quản trị nhân lực, bà Tiêu Yến Trinh - CEO của Talentnet đã có những quan điểm thiết thực về việc các doanh nghiệp nên thay đổi bản thân.
Theo bà Trinh, trong tương lai gần, các doanh nghiệp sẽ không còn vận hành như một cỗ máy, mà sẽ tổ chức linh hoạt như một thực thể sống. "Cụ thể là nếu như trước đây đa phần các doanh nghiệp vận hành theo mô hình kim tự tháp, người lãnh đạo sẽ là người cao nhất đưa ra các chỉ thị xuống từng bậc nhân viên bên dưới, đó là quan điểm bó hẹp.
Nhưng nếu muốn thích nghi với tình hình mới, các doanh nghiệp nên chuyển dần sang mô hình vòng tròn, trong đó người lãnh đạo sẽ đóng vai trò trung tâm của vòng tròn đó để đưa ra định hướng và tạo điều kiện cho nhân viên thực hiện. Ưu điểm của mô hình quản trị này là người lãnh đạo sẽ dễ dàng bao quát mọi hoạt động của doanh nghiệp, nhân viên cũng sẽ được thúc đẩy hơn nhờ sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, xóa bỏ những ranh giới không cần thiết giữa cấp lãnh đạo và người lao động", bà Trinh chia sẻ.
Bao nhiêu lãnh đạo quan tâm đến sức khỏe, tinh thần người lao động?
Cũng theo bà Trinh, kiến tạo văn hóa của sự quan tâm là điều kiện rất quan trọng để tạo nên sự gắn kết trong doanh nghiệp. Dẫn chứng từ báo cáo của Mercer cho thấy có đến 63% nhân viên cảm thấy có nguy cơ kiệt sức trước dịch Covid-19, bà Trinh cho rằng việc người chủ doanh nghiệp đặt sự đồng cảm vào cốt lõi của chương trình thay đổi là chìa khóa cho sự thành công, trong đó, truyền thông nội bộ trong doanh nghiệp là một yếu tố không thể thiếu.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Nhân sự khu vực Đông Nam Á Avery Dennison RBIS cho rằng việc truyền thông nội bộ và sự thấu cảm từ người lãnh đạo tiếp thêm động lực rất lớn cho người lao động. Dẫn chứng từ Avery Dennison, ông Tuấn cho biết trong khoảng thời gian dịch bùng phát căng thẳng vào giai đoạn tháng 7 - tháng 8, nhà máy sản xuất của Avery Dennison phải thực hiện phương án "3 tại chỗ".
"Sau vài ngày thực hiện '3 tại chỗ' thì chúng tôi gặp một khó khăn lớn là công nhân bắt đầu không chịu ở lại nhà máy nữa, họ nhận ra sự bất tiện khi không được về nhà, thiếu thốn điều kiện so với bên ngoài. Lúc đó chúng tôi rơi vào thế khó khi vẫn phải đảm bảo sản xuất, chi phí cho việc '3 tại chỗ' là rất lớn cũng đã thực hiện rồi", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cho biết khi đó, ông và ban lãnh đạo nhà máy đã đích thân đi xuống từng phân xưởng, gặp từng nhóm công nhân để lắng nghe những khó khăn của họ. Bằng những lời động viên và lắng nghe tâm tư của người lao động, Avery Dennison đã có thể duy trì được lực lượng lao động để vượt qua thời điểm khó khăn nhất.
Cũng là doanh nghiệp sản xuất, Pepsico Foods có những cách làm thể hiện sự quan tâm đến nhân viên của mình trong và sau đại dịch. Bà Nguyễn Hà Trang – Giám đốc Nhân sự Pepsico Foods chia sẻ rằng bằng sự thấu cảm và quan tâm mà công ty đã có thể bảo toàn được hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn: "Chúng tôi dành sự quan tâm cho nhân viên để mọi người không cảm thấy bị bỏ rơi trong đại dịch. Những đường dây nóng về sức khỏe được thiết lập, những món quà an sinh được trao đến tận nhà người lao động để giúp họ vượt qua khó khăn".
Tại Pepsico Foods, doanh nghiệp này thực hiện phương án "2 cung đường, 1 điểm đến", việc phải tìm nơi ở tập trung cho hàng trăm lao động là điều vô cùng khó khăn. Bà Trang cho biết đội ngũ nhân viên phải "chạy vạy" khắp nơi để liên hệ các khách sạn tiếp nhận người lao động, thậm chí phải gõ cửa cả khách sạn sắp phá sản để mong họ hỗ trợ nơi ở cho nhân viên. "Chỉ có sự đoàn kết, gắn bó với nhau thì chúng tôi mới có thể tạo nên những giá trị như thế trong cơn đại dịch", bà Trang nhấn mạnh.
Bà Tiêu Yến Trinh cho biết thêm, lãnh đạo một doanh nghiệp trong thời bình không chỉ là người chủ mà còn nên là một người bạn. Các doanh nghiệp thường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên nhưng có bao nhiêu vị lãnh đạo có thể dành một chút thời gian để xem qua các kết quả sức khỏe đó. "Tôi tin rằng chỉ một hành động nhỏ thôi nhưng cũng khiến cho lãnh đạo và nhân viên gắn kết nhau hơn, người sếp có thể nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân viên thì mới có thể vững tay lèo lái tập thể vững mạnh", bà Trinh nhấn mạnh.