TP.HCM: Gần 20.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết năm 2022
(DNTO) - Doanh nghiệp đã chuẩn bị 19.881 tỷ đồng để dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết 2022. Trong đó, 7.221 tỷ đồng nguồn hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm (từ ngày 1 đến 30 tháng chạp), tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị là 11.024 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.182,9 tỷ đồng.
Đó là một phần nội dung kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Nhâm Dần 2022 trên địa bàn TP.HCM, do Sở Công thương TP.HCM ban hành mới đây.
Cụ thể, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của hơn 9,4 triệu dân trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất.
Tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu.
Cũng theo Sở Công thương TP.HCM năm 2021, có 80 đơn vị tham gia chương trình bình ổn với nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh chiếm lĩnh thị phần cao.
Nhiều nhóm hàng của doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 25% - 40% nhu cầu thị trường như lương thực đạt 3.404,4 tấn/tháng; trứng gia cầm 78,5 triệu quả/tháng; thực phẩm chế biến 892,9 tấn/tháng; rau củ quả 9.996,5 tấn/tháng, thịt gia súc 5.686 tấn/tháng; thủy hải sản 347,5 tấn/tháng; thịt gia cầm 9.346 tấn/tháng…
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ... chiếm 60% - 75% thị phần.
Nguồn vốn dự trữ của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn cung ứng hàng hóa cho hai tháng Tết là 19.881,1 tỷ đồng, tương đương Tết Tân Sửu 2021. Trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.221 tỷ đồng.
Trong tháng cao điểm phục vụ Tết, từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 11.024,2 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.182,9 tỷ đồng.
Với số vốn chuẩn bị như trên, các doanh nghiệp đảm bảo được lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch thành phố giao, nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm từ 22% - 54,5% như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến…
Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM cũng đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết với số lượng gấp 2-3 lần so với tháng thường. Đồng thời, dự kiến có nhiều chương trình giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt…
Ở kênh phân phối truyền thống, đến nay, cả 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đã hoạt động lại và đang dần ổn định. 194/233 chợ truyền thống đã hoạt động trở lại. Một số địa phương như quận 1, 6, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú, Gò Vấp và huyện Cần Giờ đã mở lại 100% chợ truyền thống.
Bên cạnh đó, từ nay đến Tết Nguyên đán, doanh nghiệp bình ổn thị trường ở TP.HCM cũng sẽ tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký úc xá, bệnh viện.
AEON Việt Nam tăng cường lượng hàng Tết lên khoảng 15% so với cùng kì năm 2021, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm Tết gồm thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt lợn, gia cầm, rau củ, trái cây); thực phẩm khô (gạo, bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát…).
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước.
MM Mega Market Việt Nam cũng đã lên kế hoạch dự trữ cho những mặt hàng thiết yếu tăng từ 70 -100% so với những tháng bình thường và tăng 20-30 % so với dịp Tết 2021.
Trong khi đó, lượng hàng hoá hệ thống VinMart/VinMart+ chuẩn bị cho giai đoạn Tết sẽ tăng 40% - 50% so với lượng bán bình quân, tập trung vào các nhóm hàng tươi sống, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, các mặt hàng thời vụ Tết.