TP.HCM: Cơ sở kinh doanh nhắc khách đã sử dụng rượu bia thì không lái xe
(DNTO) - Thực hiện cao điểm về xử lý vi phạm giao thông (từ 20/6 – 20/9), Cảnh sát giao thông quận 10 lập các tổ công tác trực tiếp làm việc từng nhà hàng, quán karaoke, cơ sở kinh doanh có bán rượu bia… để tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức cho người dân về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo đó, Tổ Tuyên truyền thuộc Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự Công an quận 10 (TP.HCM) triển khai buổi nói chuyện để vận động chủ các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; trong đó nhấn mạnh nội dung nhắc nhở khách hàng không tự lái xe sau khi đã uống rượu bia.
Công an quận 10 nhanh chóng cụ thể hóa bằng cách quan tâm sâu sắc và triển khai nhanh chóng để người dân nắm bắt, nâng cao ý thức chấp hành và không để xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc do bia rượu.
Đặc biệt trong đợt cao điểm do Bộ Công an chủ trì này, Công an quận 10 muốn kéo giảm đến mức tối thiểu hiện tượng vi phạm nồng độ cồn cũng như điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia. Bên cạnh đó, giữ gìn tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM nói chung và địa bàn quận 10 nói riêng.
Tổ công tác, do Thượng uý Trương Huỳnh Tuấn Anh làm tổ trưởng, phối hợp với Công an phường 12, quận 10 chủ động “gõ cửa” hàng loạt quán karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh, gặp người đại diện để chuyển tải các nội dung quan trọng trong cam kết trên.
Thượng uý Trương Huỳnh Tuấn Anh cho biết: “Trước mắt sẽ cố gắng vận động tuyên truyền chứ không áp đặt người dân. Mình muốn người dân nâng cao ý thức chấp hành và hiểu được mối nguy hiểm từ cồn. Người ta hiểu được tác hại thì sẽ chấp hành nghiêm túc hơn”.
Sau khi được CSGT tuyên truyền, hàng loạt chủ cửa hàng, quán ăn đồng ý ký bản cam kết nhắc nhở khách hàng của mình không lái xe khi đã sử dụng rượu, bia, đồng thời dán những biển cảnh báo ngay tại quán.
Anh Nguyễn Tuấn Anh - Quản lý quán karaoke chia sẻ: “Không ảnh hưởng nhiều quá đến việc kinh doanh. Trước kia quán cũng có nhắc nhở khách rồi, khách mà say quá thì không cho họ về, yêu cầu họ xuống xe, trường hợp khác thì gọi taxi cho khách và gọi người nhà của họ đến đón”.
Chị Lê Thị Thanh Hằng, quản lý karaoke Phong Cách cho biết: “Cảnh sát khu vực đến tuyên truyền cho quán là điều cần thiết để đưa các thông tin này đến khách hàng của mình. Nếu mà khách nào say quá thì mình mới đề nghị khách book grab chở về hoặc nếu họ muốn ngủ lại thì tại quán cũng có phòng, khi nào khách tỉnh sẽ tự chạy xe về”.
Nhiều chủ quán cho biết, việc nhắc nhở là điều cần thiết, tuy nhiên nhắc nhở làm sao để vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa không mất lòng khách cũng là điều họ quan tâm.
Anh Cao Trung Nhân (ngụ Bình Thạnh) chia sẻ: “Việc chủ quán nhắc nhở thì còn tùy vào cách nhắc nhở làm sao. Nếu chủ quán nhắc nhở đúng cách thì mọi người cũng vui vẻ làm theo vì đây là một việc tốt mà”.
Anh Hoàng Anh Duẩn - Chủ quán karaoke 64, cho biết sẽ thực hiện theo nội dung cam kết, cơ sở kinh doanh của anh sẽ tìm thêm nhiều cách đưa khách về nhà, chủ động bắt taxi cho khách say xỉn...
Trước đó, Bộ Công an yêu cầu toàn bộ thủ trưởng các đơn vị, các cán bộ chiến sĩ trong toàn lực lượng tập trung cao nhất về quân số, phương tiện, thiết bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ yêu cầu đặt ra.
“Đợt ra quân này tập trung xử lý vào 4 nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự theo chỉ đạo của Bộ Công an. Việc kiểm tra, xử lý sẽ được tiến hành một cách triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, nhất là trên các tuyến, địa bàn và vào các khung giờ có nguy cơ tiềm ẩn gây ra các vụ tai nạn giao thông, để tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện.
Trong quá trình thực hiện, các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, thiếu tướng Nguyễn Văn Trung chỉ đạo.