Tiền vẫn không chảy vào thị trường chứng khoán
(DNTO) - Tiền gửi cá nhân tăng mạnh trong hệ thống ngân hàng dù lãi suất khá thấp. Trong khi đó, dòng tiền trên thị trường chứng khoán lại đuối sức, thậm chí trong phiên 27/11, thanh khoản toàn thị trường chỉ còn hơn 13 ngàn tỷ đồng.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,4 triệu tỉ đồng, tăng gần 10% so với cuối năm 2022. So với cuối tháng 8, số tiền trên đã tăng thêm hơn 15 ngàn tỉ đồng, đánh dấu tháng thứ 13 tiền của người dân liên tục chảy vào hệ thống tín dụng, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm mạnh thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.
Thông thường, môi trường lãi suất thấp thường dễ kéo dòng tiền dịch chuyển mạnh sang các kênh đầu tư khác, trong đó phải kể đến kênh đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán lại ghi nhận dòng tiền khá yếu.
Tháng 10, thanh khoản thị trường về quanh mức 17 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 30% so với tháng 9. Sang tháng 11, tình hình thanh khoản có phần thay đổi nhẹ, tuy nhiên vẫn chưa thực sự nổi bật, cá biệt như phiên hôm nay, 27/11, chỉ còn hơn 13 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn.
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho biết, có nhiều nguyên nhân lý giải về điều này.
Trước hết, theo ông, đầu tiên phải nói đến từ việc thị trường đã quay lại đà sụt giảm. Chỉ số VN-Index xuyên thủng mốc 1.100 điểm báo hiệu xu hướng thị trường đang trở nên khó khăn hơn. Nhất là vào tuần đáo hạn phái sinh vừa qua, thị trường bị giật mạnh, nhóm VN30 gặp khó khiến tâm lý nhà đầu tư càng trở nên thận trọng.
Thứ hai, trong khi chứng khoán trong nước giảm điểm thì thị trường chứng khoán thế giới lại tăng mạnh, đặc biệt ở thị trường Mỹ và châu Âu. "Tâm lý nhà đầu tư e sợ một đợt điều chỉnh có thể xảy ra với các thị trường này sau đợt tăng giá. Và nếu điều này xảy ra thì rõ ràng thị trường chứng khoán trong nước sẽ bị tác động và trở nên khó khăn hơn rất nhiều", ông Minh phân tích.
Tiếp đó có thể kể đến một vài nguyên nhân khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến thanh khoản của thị trường như các thông tin liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát. "Mọi người đang lo ngại mức độ ảnh hưởng còn lớn hơn con số vụ án công bố hiện nay. Năm ngoái đã ảnh hưởng, năm nay, thông tin dù cũ nhưng rủi ro vẫn có. Rõ ràng điều này cũng sẽ khiến nhà đầu tư e dè và thận trọng", ông Minh giải thích.
Với khối ngoại, dù hai phiên vừa qua đã trở lại mua ròng nhưng xu hướng bán vẫn là chủ yếu trong suốt thời gian dài. Đặc biệt việc nhà đầu tư ngoại đang chuẩn bị bước vào tháng nghỉ ngơi và chốt danh mục để tận hưởng đợt nghỉ lễ dài ngày cũng sẽ khiến nhà đầu tư lo ngại rằng khối này sẽ tiếp tục bán ra, gây tâm lý bất lợi cho chứng khoán trong nước.
Ngoài ra, kinh tế quý 3 hồi phục không được như kỳ vọng; lo ngại Fed tiếp tục tăng lãi suất khi Fed từng thông tin cuối năm khả năng còn một đợt tăng lãi suất hay hiện tượng phiên ATC nhiều bất ngờ tuần qua cũng có thể là nguyên nhân góp phần khiến dòng tiền trở nên cẩn trọng hơn khi gia nhập thị trường.
"Rõ ràng trong bối cảnh thông tin rủi ro của thị trường quá nhiều nên dòng tiền sẽ lựa chọn trú ẩn vào kênh an toàn", ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ.
Trước đó, trong báo cáo chiến lược tháng 11, Công ty Yuanta đã dự báo xu hướng dài hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng và khuyến nghị các nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục tích lũy cổ phiếu cho danh mục dài hạn.