Tiền nhiều nhưng lãi ít, nỗi khổ của các nhà băng
(DNTO) - Khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn của các nhà băng khá lớn là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng tiếp tục chịu cảnh tiền thừa nhưng lợi nhuận thu hẹp trong quý 3 này.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 và 9 tháng đầu năm gồm Techcombank, VPBank, PG Bank, Bac A Bank, Saigonbank, Bao Viet Bank và LPBank.
Từ đầu năm đến nay, cả 7 ngân hàng đều ghi nhận sự sụt giảm của lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng đang chậm lại, đẩy khoảng cách giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn ngày càng lớn là một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của toàn ngành không nhiều nổi bật.
Tại VPBank (VPB), tổng tiền gửi của khách hàng tính đến ngày 30/9 đạt trên mức 423 ngàn tỷ đồng, tăng trên 38% so với giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên tín dụng của ngân hàng lại chỉ tăng 25% so với đầu năm với hơn 450 ngàn tỷ đồng tính đến cuối quý 3.
Thu nhập từ lãi trong quý 3 của VPB chỉ đạt trên 15,6 ngàn tỷ đồng nhưng chi phí lãi đã tới 9,5 ngàn tỷ đồng, tức chiếm gần 65% số lãi mang về, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái tỷ lệ này chỉ là 43%.
Kết thúc quý 3, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 3,1 ngàn tỷ đồng, giảm tới 36% so với cùng kỳ và luỹ kế 9 tháng chỉ đạt 10,1 ngàn tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.
Tại Ngân hàng BacABank, tình hình khá tương tự khi tín dụng chỉ tăng 4,8% tính đến ngày 30/9, trong khi tiền gửi khách hàng tăng tới 18,2% so với đầu năm. Quý 3, thu nhập từ lãi đạt trên 3,2 ngàn tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ, trong khi chi phí lãi tăng tới 43%, khiến thu nhập lãi thuần giảm tới 33%.
Tiền gửi tăng nhanh cũng tạo gánh nặng cho ngân hàng do các chi phí lãi cũng tăng lên, trong khi đó đầu ra hẹp lại. Kết quả, lợi nhuận trước thuế còn hơn 77 tỷ đồng trong quý, giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước và luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận chỉ đạt 550 tỷ đồng, giảm 23%.
Tại Ngân hàng Techcombank, chỉ tiêu tiền gửi của khách hàng đạt trên 400 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với giai đoạn đầu năm. Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng thấp hơn với hơn 11% so với đầu năm, đạt mức trên 495 nghìn tỷ đồng.
Xét trong quý 3/2023, dù thu nhập từ lãi tăng lên so với cùng kỳ với 13 ngàn tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ hơn 10 ngàn tỷ đồng nhưng chi phí cũng bật tăng thêm tới trên 7 ngàn tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ trên 3,5 ngàn tỷ đồng. Chính điều này khiến thu nhập lãi thuần trong quý giảm so với cùng kỳ. Chín tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của nhà băng chỉ còn trên 18 ngàn tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái trên 22 ngàn tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt 5,4 ngàn tỷ đồng trong quý 3, giảm 13% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đạt trên 17 ngàn tỷ đồng, giảm 18%.
Như vậy có thể thấy, sự chững lại của tăng trưởng tín dụng trong khi lượng tiền gửi tăng lên, cùng đó chi phí lãi tăng theo khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng không được như kỳ vọng. NIM bị thu hẹp. Và điều này cũng được các nhà băng nhìn nhận trước trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức hiện nay.
Bước sang quý 4, nhiều chuyên gia cho rằng, NIM có thể vẫn tiếp tục giảm nhẹ. Lãi suất điều hành sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm kéo lãi suất cho vay sẽ giảm theo và thậm chí còn giảm nhanh hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
"Chúng tôi cho rằng NIM toàn ngành sẽ giảm nhẹ trong năm 2023", chuyên viên Trần Tánh của Yuanta cho biết.
Dù vậy, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng cũng được kỳ vọng tích cực hơn trong bối cảnh sẽ được hưởng lợi nhờ các chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như lãi suất giảm và sự hồi phục dần trở lại của nền kinh tế.