Triển vọng kết quả kinh doanh quý 3 kém khả quan, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục 'chờ'?
(DNTO) - Những dự báo về kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng kém khả quan cho thấy nhóm cổ phiếu ngành này cần nhiều động lực hơn nữa để tạo sức bật mới.
SSI Research vừa có báo cáo về ước tính kết quả kinh doanh quý 3 của 33 doanh nghiệp nằm trong phạm vi nghiên cứu của công ty này.
Đáng chú ý, theo SSI, trong số 12 ngân hàng nằm ở danh sách trên, thì 6/12 ngân hàng được dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái và nửa còn lại được cho là sẽ suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ.
Ở chiều giảm, lợi nhuận trước thuế nhiều nhà băng lại được dự báo không mấy sáng sủa so với cùng kỳ, đơn cử như TPB giảm 25-32%; VPB giảm 27%; BID giảm 12%, TCB giảm 12-15%, MSB giảm 6-13% hay VIB giảm 3%. Điểm chung của các nhà băng này chính là áp lực của NIM và gánh nặng trích lập dự phòng đã kéo kết quả kinh doanh của ngân hàng đi xuống.
Việc NIM ngành ngân hàng giảm xuống cũng đã nằm trong dự báo trước đây. Lãi suất điều hành giảm hỗ trợ giảm chi phí huy động vốn của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trở nên kém hấp dẫn, dù tỷ lệ CASA tăng lên, nhưng áp lực cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế khiến NIM sẽ khó được như kỳ vọng
Theo chuyên viên phân tích Trần Tánh từ Yuanta Research trong cáo mới nhất về ngành ngân hàng, "NIM của ngành ngân hàng có thể giảm nhẹ trong 2023".
Điều đang gây áp lực với các nhà băng chính là chất lượng tài sản do khó khăn của ngành bất động sản. Từ quý 2/2023, nợ xấu đã có xu hướng tăng lên, trong khi tỷ lệ LLR giảm xuống.
"Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ giúp giảm nợ xấu trên báo cáo và áp lực trích lập dự phòng, tuy nhiên chất lượng tài sản thực vẫn cần được quan tâm kĩ", chuyên gia của Yuanta nhận định.
Trong khi đó mảng bancassurance của các ngân hàng không nhiều triển vọng do sự thắt chặt chi tiêu của người dân, cũng như việc xây dựng niềm tin với khách hàng cần thêm nhiều thời gian hơn nữa.
Ở chiều tăng, các ngân hàng STB,CTG, ACB, HDB, MBB, VCB là những cái tên trong danh sách kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương của SSI.
Kỳ vọng trong dài hạn?
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, ngày 12/10, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 0,14% sau vài phiên phục hồi nhẹ gần đây. Tính từ giữa tháng 9, nhóm cổ phiếu này đã liên tục đi xuống do những triển vọng không mấy lạc quan trên thị trường.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index, trên 35%. Do đó, tầm ảnh hưởng và vai trò của nhóm này là lớn với thị trường.
Về ngắn hạn, nhóm ngân hàng vẫn chưa tạo được sức hút với dòng tiền. Tuy nhiên, kỳ vọng về dài hạn của nhóm này lại khá "sáng" với các yếu tố như kết quả kinh doanh được cho là sẽ tích cực trong quý cuối của năm, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và đặc biệt là mức định giá thấp. Hiện giá cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn đang giao dịch dưới mức trung bình lịch sử giai đoạn 2013-2023 trên cả hai chỉ số P/E và P/B.
"Định giá vẫn còn tương đối hấp dẫn với P/B 2024E trung vị ngành ở mức 0,9x và ROE 2024E là 20%", Yuanta cho biết và nhận định: "Chúng tôi tin rằng cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn còn tiềm năng tăng giá trong 6-12 tháng tới, mặc dù đã có mức tăng vượt trội so với VN-Index kể từ đầu năm".