Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bình thường mới dần được thiết lập
(DNTO) - Sáng nay, 12/11, sau khi thành viên cuối cùng của Chính phủ là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kết thúc phần trả lời chất vấn, Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng đàn trên cương vị người đứng đầu Chính phủ trong hoạt động chất vấn. Thủ tướng được Quốc hội dành cho 30 phút để báo cáo giải trình làm rõ thêm một số vấn đề.
Bình thường mới dần được thiết lập
Trình bày Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước đã cơ bản đồng tình và quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm về các báo cáo của Chính phủ, nhất là kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và chia sẻ, cảm thông sâu sắc và đồng tình ủng hộ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Theo Thủ tướng, tình hình kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng. Sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn rất khó khăn. Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động cục bộ và đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng cần sự nỗ lực rất lớn để khắc phục.
Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm vaccine trên toàn quốc, tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng khẳng định Nghị quyết số 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời và đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực triển khai thực hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch lớn nhất từ trước tới nay trên toàn quốc; có lộ trình từng bước tiêm vaccine cho trẻ em; đồng thời tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tích cực thiết lập hệ thống trạm y tế lưu động, bệnh viện hồi sức, chăm sóc, điều trị; số ca tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp.
“Tuy còn có nhiều ổ dịch xuất hiện, nhưng trạng thái bình thường mới dần được thiết lập ở tất cả các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát rủi ro”, Thủ tướng nói.
Xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, tránh tiêu cực, trục lợi
Ở phần giải đáp câu hỏi của các đại biểu về công tác phòng, chống dịch Covid-19, trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Quảng Ninh về các chính sách hỗ trợ thời gian tới với người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng nêu rõ: "Vừa qua, chúng ta thực hiện các chính sách hỗ trợ rất tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để Chính phủ và các cơ quan đề xuất cấp có thẩm quyền và chủ động triển khai các chính sách. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập như các đại biểu đã đề cập và các Bộ trưởng đã trả lời trong những ngày vừa qua, tôi không nhắc lại nữa.
Về thời gian sắp tới, trước hết phải rà soát, đánh giá lại những việc đã triển khai, cái gì chưa được, những việc đã làm được, phân tích các nguyên nhân, trên cơ sở đó, rà soát lại các đối tượng, phạm vi, mức độ hỗ trợ, định ra chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, tránh tiêu cực, lợi dụng chính sách, bỏ sót đối tượng, hoặc các vấn đề bất cập như đã chỉ ra".
Đại biểu Ma Thị Thúy, đoàn Tuyên Quang cho rằng, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát nhưng chúng ta còn đối mặt nhiều khó khăn, chúng ta đã chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đây là cách làm đúng, bước đầu chứng tỏ hiệu quả và phù hợp thông lệ quốc tế. Đại biểu đặt câu hỏi về chương trình hành động ứng phó dịch bệnh trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết: Dịch bệnh Covid-19 không những ảnh hưởng tới nước ta mà còn ảnh hưởng tới toàn thế giới. Sau gần 2 năm phòng chống dịch, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm hơn, hiểu rõ hơn về dịch bệnh để dần dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Chúng ta chưa tiến hành tổng kết đầy đủ, toàn diện, nhưng đã rút ra được một số kinh nghiệm, đưa ra được các trụ cột phòng chống dịch về cách ly, xét nghiệm, điều trị.
Thứ nhất, cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất, thực hiện các biện pháp y tế, an sinh xã hội kịp thời, hiệu quả để giải tỏa nhanh nhất có thể.
Thứ hai, xét nghiệm thần tốc, khoa học, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Thứ ba, điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở để người bệnh không chuyển nặng, giảm tử vong.
Cùng với đó, chúng ta đã đúc rút phương châm là 5K + Vaccine, Thuốc đặc hiệu + Các biện pháp điều trị + Công nghệ + Đề cao ý thức người dân + Biện pháp khác như kết hợp y học cổ truyền và hiện đại... Chúng ta đã hình thành tạm gọi là “lý thuyết chống dịch”, trên cơ sở đó, mạnh dạn, tự tin để chuyển trạng thái.
Thủ tướng cũng nêu rõ: “Dịch bệnh làm bộc lộ yếu kém về hệ thống y tế dự phòng và cơ sở, cần củng cố bằng các biện pháp khác nhau. Nhưng quan trọng nhất, theo tôi là phải đầu tư cho nguồn nhân lực, dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh, sớm, nhưng đào tạo ngành y phải nhiều năm. Tôi lo nhất là đào tạo nguồn nhân lực, do đó phải tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nguồn nhân lực này tới cơ sở”.