Thứ trưởng Y tế: 'TP HCM nên tranh thủ cách ly F1 tại nhà'
(DNTO) - Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói rằng TP HCM nên cho các trường hợp F1 đủ điều kiện được cách ly tại nhà để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly.
Ý kiến trên được PGS. TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế nói tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch của TP HCM chiều 25/6. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TP HCM đã ghi nhận 2.343 ca bệnh và trong 24 giờ qua phát hiện thêm 667 ca nghi nhiễm.
Hiện, hơn 12.000 trường hợp ở TP HCM cách ly tập trung và khoảng 26.000 người cách ly tại nhà. Thành phố đang lập, mở rộng công suất các khu cách ly tập trung đáp ứng số ca F1 ngày càng tăng. Theo quy định Bộ Y tế, người thuộc diện F1 (tiếp xúc F0) phải cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà và chờ kết quả xét nghiệm của F1.
Theo ông Sơn, số lượng F1 tại TP HCM tăng rất nhanh khiến một số cơ sở cách ly gặp khó khăn, đặc biệt khu cách ly ở Ký túc xá Đại học Quốc gia. "Mặc dù chỉ cách ly 2.000 người thôi, nhưng anh em y tế nói kiệt sức rồi. Rác thải vẫn còn ứ đọng, chưa xử lý kịp", ông Sơn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, sáng qua Bộ Y tế ký văn bản cho thí điểm cách ly F1 tại nhà. Vì vậy, ông cho rằng với những trường hợp đủ điều kiện thành phố nên tranh thủ để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly.
Vấn đề cách ly F1 tại nhà ở TP HCM được Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Hữu Hưng nêu tại cuộc họp về phòng chống Covid-19 mới đây. Theo đó ngành y tế thành phố đang cân nhắc tổ chức cách ly F1 tại nhà, trước mắt sẽ thí điểm ở một số khu vực, sau đó nhân rộng ra.
Theo ông Hưng, việc giám sát F1 tại nơi ở giúp người bị cách ly tâm lý nhẹ nhàng, nhà nước đỡ chuẩn bị cơ sở, vật chất để cách ly tập trung khi số ca F1 tăng cao. Tuy nhiên, đến nay Ban chỉ đạo chống Covid-19 của TP HCM vẫn chưa bàn đến biện pháp này trong các cuộc họp.
Trước đó trả lời VnExpress, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nói biện pháp "cách ly F1 tại nhà" đã được Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch đưa ra để áp dụng thí điểm tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Nhất là trong bối cảnh nCoV biến chủng Ấn Độ hiện lây lan nhanh hơn khiến số ca nhiễm và F1 đều tăng cao.
"Số ca nhiễm tăng lên thì phương án cách ly F1 tại nhà là cần thiết. Bởi khi khu cách ly tập trung bị quá tải, không đủ điều kiện vật chất, nhân lực để phục vụ có thể dẫn đến lây nhiễm chéo", ông Phu nói.
Theo ông Phu, cần chia F1 ra thành 2 loại. Đó là F1 có nguy cơ lây cao (tiếp xúc quá gần F0, hoặc cùng lao động, sinh hoạt... trong không gian khép kín với F0) và F1 có nguy cơ lây thấp. Đối với F1 nguy cơ cao vẫn cần cách ly tập trung, còn F1 nguy cơ lây thấp có thể cách ly tại nhà. F1 nguy cơ nhiễm cao hay thấp sẽ do y tế địa phương đánh giá.
"Dù cách ly tại nhà hay tập trung cũng phải đảm bảo điều kiện Bộ Y tế đưa ra", ông Phu nói và cho biết theo Bộ Y tế, một người sẽ được cách ly tại nhà phải đáp ứng các điều kiện như nhà có phòng riêng; không được tiếp xúc thành viên trong gia đình, liên tục đeo khẩu trang, không ra khỏi nhà để lây dịch cho cộng đồng...
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM) cũng đồng tình phương án cách ly F1 tại nhà trong bối cảnh dịch ở thành phố diễn biến phức tạp. "Phải có cách giám sát bảo đảm suốt thời gian cách ly F1 không ra khỏi nhà. Nếu làm được điều này, việc tổ chức cách ly tại nhà còn tốt hơn cách ly tập trung", ông Khanh nói.