Thời khó, hai 'ông lớn' vẫn xông xênh ôm nghìn tỷ lợi nhuận
(DNTO) - Dù doanh thu sụt giảm so với năm 2022 nhưng hai doanh nghiệp lớn ngành bia rượu, Sabeco và Habeco, vẫn duy trì được tài chính vững mạnh, thậm chí lợi nhuận vượt xa kế hoạch đặt ra.
Hơn bốn ngàn tỷ đồng lợi nhuận thu về trong năm
Nhu cầu tiêu dùng sụt giảm đã khiến Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) sụt giảm 15% doanh thu trong quý 4 so với cùng kỳ năm 2022, với hơn 8,4 ngàn tỷ đồng. Do giá vốn hàng bán cao, lợi nhuận gộp còn lại của doanh nghiệp này còn hơn 2,5 ngàn tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.
Cho phí bán hàng đã giảm 17% so với quý 2/2022, nhưng vẫn lấy đi của SAB hơn 1,3 ngàn tỷ đồng. Dù vậy, riêng quý 4/2023, doanh nghiệp vẫn thu về hơn 1,2 ngàn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, dù đã giảm 8% so với cùng kỳ nhưng vẫn là một con số đáng mơ với các doanh nghiệp trong nước.
Tính riêng năm 2023, lợi nhuận trước thuế của SAB đạt trên 5,3 ngàn tỷ đồng, thu về khoản lãi ròng hơn 4,1 ngàn tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, doanh nghiệp chỉ cán đích được 76% chỉ tiêu về doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận năm.
Doanh nghiệp duy trì được nền tảng tài chính vững mạnh, trả cổ tức cao cho nhà đầu tư.
Nhu cầu tiêu dùng bia rượu đang yếu đi, một phần do việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100, phần khác do kinh tế trong nước đang bị ảnh hưởng, khiến các doanh nghiệp bia rượu trong nước bị tổn thương doanh thu. Với Sabeco, dù lợi nhuận có bị ảnh hưởng, nhưng thị trường Việt Nam vẫn đang là mảnh đất vàng với doanh nghiệp này.
Tiền dư dật trong ngân hàng
Đứng sau Sabeco là Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán: BHN). Đều cùng là hai ông lớn trong ngành, tuy nhiên, khoảng cách của hai doanh nghiệp lại khá xa.
Doanh thu thuần của BHN trong quý 4 chỉ hơn 2,2 ngàn tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn hàng bán cao khiến doanh nghiệp chỉ còn hơn 540 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong quý. Chi phí bán hàng đã chiếm trên 360 tỷ đồng khiến BHN chỉ còn 89 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 7% so với cùng kỳ.
Cho cả năm 2023, công ty đạt doanh thu thuần hơn 7,7 ngàn tỷ đồng và lãi ròng 355 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 28% so với năm 2022. Dù kết quả đạt được không cao, Habeco vẫn vượt chỉ tiêu doanh thu và chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm.
Đáng chú ý, cuối năm, tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp vẫn ghi nhận hơn 3,8 ngàn tỷ đồng, tăng 10% và chiếm 54% tổng tài sản doanh nghiệp này. Trong khi đó, khoản tiền, tiền gửi ngân hàng của Sabeco vẫn còn gần 23 ngàn tỷ đồng, chiếm trên 60% tổng tài sản doanh nghiệp. Điều này cho thấy nền tảng tài chính khá vững chắc của các doanh nghiệp.
Triển vọng có sáng phía trước?
Xu hướng chuyển từ việc dùng sản phẩm dòng cao cấp xuống các dòng trung bình của người tiêu dùng đang là cơ hội cho Sabeco và Habeco chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là Habeco khi thị phần của doanh nghiệp này đang còn bé.
Tuy nhiên, ngành bia rượu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, sự siết chặt các quy định trong sử dụng bia rượu, cầu tiêu dùng chung trong nước bị ảnh hưởng bởi kinh tế suy yếu, ngoài ra xu hướng tiêu dùng với ngành hàng này được dự đoán sẽ không còn mạnh như trước. Điều này có thể sẽ là những nguyên nhân tiếp tục bào mòn lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành. Dù vậy, thách thức trên cũng là tiền đề để các doanh nghiệp thay đổi, thích nghi với tình hình mới, tìm hướng đi cho riêng mình.
Tính đến đầu giờ chiều phiên giao dịch chứng khoán ngày 1/2, SAB và BHN đang giữ mức tăng tốt. Mã SAB tăng trên 2,5% giữ mức 39.000 đồng/cp; mã BHN tăng 2,3% giữ mức 57.300 đồng/cp. Tính chung trong một năm giao dịch qua, hai cổ phiếu đang giảm mạnh, nếu SAB đang giảm tới 36% thì BHN giảm trên 12%.