Thiếu nhân viên, không đảm bảo tiêu chí, một số quán tại TP.HCM chưa thể mở cửa
(DNTO) - Bắt đầu từ hôm nay, 28/10, UBND TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ nhưng phải đảm bảo một số điều kiện. Tuy nhiên, hiện nhiều quán vẫn chưa thể mở bán do thiếu nhân viên và không đảm bảo tiêu chí do chính quyền thành phố đưa ra.
Anh Nguyễn Hồng Thư, chủ của Măm Măm 24h, quán cà phê và thức ăn nhanh theo phong cách Đà Lạt (quận 1, TP.HCM) cho biết, mặc dù UBND TP.HCM đã cho phép bán tại chỗ nhưng Măm Măm 24h vẫn chưa thể nhận khách tại quán. Hiện nay quán vẫn chỉ bán trên kênh online cho đến hết tuần sau, khi đã ổn định các khâu chuẩn bị (nhân viên, thủ tục pháp lý....).
Lý do theo anh Hồng Thư, là bởi trước dịch, quán đã cho nhân viên nghỉ hết, chỉ 1, 2 người làm việc lâu năm được giữ lại; bây giờ là giai đoạn tìm nhân viên và phải đào tạo lại từ đầu nên sẽ mất một thời gian nữa, quán mới vận hành trơn tru.
Nói về các tiêu chí để được phép mở bán tại chỗ, theo anh Hồng Thư, gây khó khăn rất nhiều cho quán. Cụ thể, việc chỉ nhận 50% khách khiến doanh thu cũng chỉ ở mức 50%/ngày, và chỉ hoạt động đến 21g lại càng làm doanh thu tụt giảm (vì thông thường khung giờ 18-22g là đông khách nhất). Với việc hạn chế doanh thu như vậy, khó thể đủ để chi trả các chi phí cố định của quán, chưa nói đến có lời.
Đồng thời sau dịch, để đón khách trở lại, quán phải sửa chữa lại nhiều thứ, chi phí decor quán, sửa chữa bảng hiệu, mua lại cây xanh và vốn để nhập nguyên vật liệu là khó khăn nhất, vì sau 4 tháng cầm cự, nguồn tiền gần như hết.
“Khách hàng hiện cũng dè dặt hơn khi chi tiêu, lượng khách cũng giảm đáng kể nên việc mở cửa online hiện tại và mở bán tại chỗ trong thời gian tới chỉ mang tính chất cầm chừng, khả năng bù lỗ rất cao”, anh Hồng Thư chia sẻ.
“Tiến không được, lùi cũng không xong, nên trước mắt vẫn đóng quán, chờ thời gian tới xem thành phố có thêm những thay đổi nào không” là chia sẻ của chị Bảo Tuyên, chủ quán 74 chuyên bán đồ ăn miền Trung tại quận Tân Bình, TP.HCM.
Theo chị Bảo Tuyên, tiêu chí 1 (đối với cơ sở) quy định cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; phải bố trí khu vực giao nhận thực phẩm đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch… Khi đảm bảo tiêu chí này, cơ sở sẽ đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/ và tổ chức quét mã QR của người tham gia hoạt động tại cơ sở theo Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM.
Tuy nhiên, cơ sở của chị là quán bình dân, nguồn nguyên vật liệu (rau, thịt, cá, mắm…) chủ yếu lấy từ quê, không có giấy chứng nhận. Theo đó, cũng sẽ không đạt tiêu chí là cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Thêm vào đó, quy định được mở cửa cũng nêu, cơ sở kinh doanh chỉ được phục vụ khách tại chỗ tới 21g trong khi thông thường, 17g chiều quán mới bắt đầu mở bán. Như vậy, nếu mở ra, thời gian được hoạt động rất ít mà chi phí lại nhiều, thu không đủ bù chi.
Bắt đầu mở cửa từ hôm nay, 28/10, nhưng thiếu nhân viên trầm trọng, vẫn đang phải đăng thông tin tuyển dụng là tình trạng của Nhà hàng Bắc Vị trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM.
Anh Huy Nguyễn, chủ nhà hàng cho biết sau dịch, Bắc Vị phải tuyển mới 70% và hiện nay thiếu nhân viên trầm trọng.
Theo anh Huy Nguyễn, nhân viên của nhà hàng đa số ở tỉnh, dịch và giãn cách kéo dài hơn 4 tháng nên nhân viên về quê, giờ họ cũng muốn trở lại làm việc nhưng do chưa được tiêm chủng đầy đủ nên không thể trở lại TP.HCM, hoặc một số đã trở lại nhưng nhà hàng không dám nhận.
“Trước đây nhà hàng có 20 nhân viên, hiện chỉ có 8 nhân viên đủ điều kiện đi làm”, anh Huy Nguyễn nói.
Anh Huy Nguyễn chia sẻ thêm, vì TP.HCM cho kinh doanh nhưng thông báo đột xuất, nhà hàng chưa kịp chuẩn bị nên nếu mở cửa cũng trong tình trạng lúng túng. Anh cho rằng nếu TP.HCM có kế hoạch rõ ràng và thông báo sớm hơn sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực.
Về tình hình kinh doanh sắp tới, anh Huy Nguyễn nói sẽ rất khó khăn vì vừa hạn chế lượng khách, vừa hạn chế giờ kinh doanh. Nhưng để duy trì, doanh nghiệp vẫn phải mở cửa, bởi để lâu thì lại lo mất khách.