Sơn La xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp
(DNTO) - Huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đang phát huy lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Vì Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021-2025”, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất đại trà. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang cây trồng hiệu quả kinh tế cao. Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp với hình thức lấy ngắn nuôi dài và có giá trị kinh tế.
Bên cạnh đó, chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Các đoàn thể nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho trên 5.500 hộ vay hơn 350 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân đã có 50 hộ được vay gần 2,5 tỷ đồng để đầu tư sản xuất. Khuyến khích thành lập các HTX để nhân dân liên kết sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.
Từ năm 2020 đến nay, huyện đã triển khai 38 mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Điển hình là các mô hình: Trồng 27 ha cây bưởi diễn của 55 hộ ở xã Dồm Cang, Púng Bánh; 12 ha cây bưởi da xanh tại xã Mường Và, Mường Lạn; trên 300 ha rừng tại xã Púng Bánh; trồng cam, quýt, quy mô 2,5 ha và trồng 18 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Nậm Lạnh, Mường Và; nuôi ngựa bạch tại xã Sốp Cộp… Mô hình vườn ươm giống cây lưu vườn, thâm canh cây ăn quả có múi, lúa đặc sản địa phương nếp Mường Và đã được công nhận nhãn hiệu sản phẩm và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Hiện nay, xã Mường Và có 121 ha cam, trong đó, hơn 34 ha đã cho thu hoạch, năng suất khoảng 8-10 tấn quả/ha, tập trung ở các bản: Nà Mòn, Nà Một, Nghè Vèn, chủ yếu là giống cam địa phương và cam V2. Chất lượng quả ngon, có giá bán từ 20.000-25.000 đồng/kg. Xã đã thành lập HTX nông nghiệp Cầm Vinh, bản Tặc Tè và HTX nông nghiệp Duy Lợi, bản Nà Mòn. Ông Lò Văn Thuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Duy Lợi, cho biết: HTX có 11 thành viên, sản xuất 12 ha cam, trong đó 7 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép, hoặc có nguồn gốc từ hữu cơ, sinh học để chăm sóc vườn cam. Nhờ vậy, chất lượng cam Nà Mòn được nâng lên, nhiều khách hàng đặt mua, thị trường tiêu thụ ổn định. Năm 2023, sản lượng đạt 105 tấn quả, trừ chi phí, lãi hơn 1,5 tỷ đồng.
Năm 2020, nhân dân xã Dồm Cang trồng thử nghiệm 0,5 ha cây bí xanh. Nhận thấy hiệu quả, bà con đã mở rộng lên 14 ha, trồng chủ yếu ở bản Cang, Khá Men và bản Dồm. Ông Cầm Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Năm 2023, thu hoạch được trên 130 tấn quả, bán với giá từ 13.000-15.000 đồng/kg. Xã đang khuyến khích nhân dân trồng bí trên diện tích đất ruộng, nương kém hiệu quả và tranh thủ trồng vụ đông sau thu hoạch lúa mùa. Đồng thời, tìm hiểu nhu cầu thị trường để điều chỉnh diện tích phù hợp, tránh tình trạng trồng tràn lan theo phong trào.
Trong chăn nuôi, huyện định hướng cho nhân dân phát triển các mô hình theo hướng gia trại, trang trại tập trung, đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò. Các tổ chức đoàn thể phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh đúng kế hoạch; vận động nhân dân cải tạo đất hoang, đất vườn tạp trồng hơn 185 ha cỏ phục vụ chăn nuôi.
Chị Tòng Thị Sinh, bản Liềng, xã Púng Bánh, chia sẻ: Năm 2018, gia đình vay vốn đầu tư nuôi bò nhốt chuồng kết hợp với trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Đến nay, gia đình có 15 con bò; ngoài ra còn nuôi giống lợn đen bản địa; năm 2023, tổng thu nhập trên 200 triệu đồng.
Tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, huyện Sốp Cộp chỉ đạo cơ quan chuyên môn định hướng cho nông dân xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, nhất là mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Các HTX làm tốt vai trò hỗ trợ nhân dân trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; nông dân chủ động học tập các mô hình mới, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.