Sợ xử phạt theo nghị định mới, hàng iPhone 12 xách tay bán dè chừng
(DNTO) - Mặc dù còn đến 1 tháng nữa, iPhone 12 mới chính thức mở bán ở Việt Nam, nhưng nhiều ngày nay, sản phẩm này đã có mặt tại Hà Nội và TP.HCM.
Nguồn hàng iPhone 12 hiện nay mà các cơ sở bán lẻ có được đều là hàng xách tay từ các thị trường mở bán sớm, phần lớn là từ Singapore và Hongkong.
Trong bối cảnh từ ngày 15/10, Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh hàng xách tay chính thức có hiệu lực, nhiều chủ bán lẻ điện thoại dè chừng và cảnh giác khi nhập iPhone 12.
Dù đã có mặt tại TP.HCM vài ngày nay, nhưng không khí mua bán iPhone 12 vẫn khá trầm lắng so với các sản phẩm trước của Apple. Các cơ sở kinh doanh không trưng bày sản phẩm, không quảng cáo rầm rộ như trước đây mà chỉ rao bán âm thầm trong các nhóm kín.
Theo Apple, dự kiến iPhone 12 sẽ chính thức mở bán tại Việt Nam từ đầu tháng 12 tới. Trước thời gian này, nếu muốn sở hữu dòng điện thoại mới nhất của Apple, người dùng buộc phải mua hàng xách tay.
Hiện Apple chỉ mở bán iPhone 12 và iPhone 12 Pro. Dòng iPhone 12 Mini và iPhone 12 Pro Max sẽ được giao tại Singapore vào ngày 13/11. Theo nhiều người, 2 dòng sau đặc sắc hơn nên nhiều cửa hàng quyết định chờ đến khi mở bán.
Việc nhiều cơ sở kinh doanh dè chừng vi phạm quy định pháp luật khiến lượng hàng nhập về nhỏ giọt, giá thành cũng vì thế thất thường, thậm chí thay đổi theo từng ngày. Các chủ cơ sở đều không công khai giá bán mà yêu cầu người mua liên hệ trực tiếp.
Ông Hùng, chủ một cửa hàng điện thoại tại quận 10 chia sẻ rằng, nếu công khai giá bán sẽ dễ bị cửa hàng đối thủ phá giá.
iPhone 12 Pro phiên bản cao nhất (màu xanh, 512GB) có giá bán khoảng 41 triệu, trong khi iPhone 12 cao nhất khoảng 30 triệu.
Sáng 29/10, phóng viên liên hệ với người chuyên bán iPhone xách tay tên Duy tại quận 11, người này khuyên nên chốt mua sớm vì đến chiều giá có thể thay đổi, lên hay xuống còn chưa biết.
Hiện các cửa hàng bán iPhone 12 kèm các ưu đãi như củ sạc chính hãng, vốn đã bị Apple cắt giảm và các gói bảo hành đi kèm.
Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, nếu đập hộp và xách tay số lượng ít về sử dụng thì người dùng không phải đóng thuế, nhưng sản phẩm được xách tay về để kinh doanh thì phải đóng thuế. Trường hợp mua gom sản phẩm chưa đóng thuế từ nguồn khác thì người mua có thể kê khai với cơ quan thuế để đóng thuế cho sản phẩm trên, có chứng từ mới hợp pháp.
Nghị định 98/2020 là nghị định thay thế, sửa đổi Nghị định 185/2013, trong đó đáng chú ý chính là việc tăng mức xử phạt với những hành vi mua hàng xách tay được nâng lên theo hướng tăng nặng, từ mức phạt thấp nhất 200 ngàn đồng lên 500 ngàn đồng, mức cao nhất lên tới 100 triệu đồng. Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.