Shark Vương: Chuyển đổi số không phải hoạt động mang tính phong trào
(DNTO) - Theo ông Trần Anh Vương (Shark Vương), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, chuyển đổi số không phải hoạt động mang tính phong trào, nhưng kể cả khách quan và chủ quan thì đều là hoạt động của tư duy mới, điều kiện mới, đặc biệt là trong thời điểm dịch bùng phát như hiện nay.
Tại Tọa đàm “Chuyển đổi số - Thay đổi để thích ứng và phục hồi”, diễn ra chiều nay 26/12, bàn về chuyển đổi số đối với cộng đồng doanh nghiệp, Shark Vương bày tỏ: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không chỉ với doanh nghiệp tư nhân, mà tất cả các hoạt động trong xã hội. Vì vậy, Hội thảo về chuyển đổi số hôm nay giải quyết được 3 vấn đề: Đầu tiên, giúp cho những người còn mông lung với chuyển đổi số sẽ cơ bản hiểu được chuyển đổi số là như thế nào.
Thứ hai, qua những kinh nghiệm của chuyên gia, mong muốn của Ban tổ chức chúng tôi giúp cho các doanh nghiệp doanh nhân đặc biệt là các doanh nhân trẻ, quy mô doanh nghiệp còn chưa lớn hiểu hơn, mạnh dạn hơn trong quá trình chuyển đổi số, bởi hiện nhiều người đang suy nghĩ rằng chuyển đổi số liên quan nhiều đến kinh phí, không tiền sẽ không chuyển đổi số được, đó là sai lầm.
Thứ ba, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam của chúng ta mong muốn đóng góp vai trò nhất định cho các doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số.
Qua quá trình tiếp xúc nhiều doanh nghiệp và nghe ý kiến của lãnh đạo các Bộ Khoa học Công nghệ thông tin; Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tôi đúc kết rằng, rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp của chúng ta đang bị nhầm giữa công nghệ thông tin với chuyển đổi số, tôi ấn tượng nhất với "ví von" của Bộ trưởng Bộ thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nếu doanh nhân, doanh nghiệp tìm khái niệm chuyển đổi số lâu thì cứ tưởng tượng thế này: Công nghệ thông tin giúp cho một nhân viên hay một lãnh đạo cấp chung dùng phần mềm viết báo cáo gửi cho sếp, còn chuyển đổi số sẽ giúp cho sếp muốn có được thông tin, báo cáo thì tự vào hệ thống của doanh nghiệp để lấy ra... Tôi cho rằng đó là ví von hết sức cụ thể, không mang tính lý thuyết.
Và cách giải nghĩa nôm na hơn chút nữa, đó là phần mềm công nghệ thông tin sẽ giải quyết một số khâu trong quá trình mà chúng ta phải lao động chân tay, tức là khi áp dụng phần mềm sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, ví dụ giáo viên thay vì viết phấn, sẽ giảng PowerPoint cho sinh viên, chuyển đổi số sẽ giúp chúng ta đánh dấu bước ngoặt trong thay đổi về tư duy từ lao động chân tay sang sang lao động trí não.
Đứng về góc độ nhân viên, trong quá trình chuyển đổi số, ngoài việc nhân viên họ lo lắng về chuyện họ sẽ bị đo lường, bị quản lý suốt ngày, nhưng cái lo lắng lớn hơn nữa đối với nhiều nhân viên, đặc biệt là nhân viên ở những công ty truyền thống còn thêm lo lắng nữa là thất nghiệp. Đấy cũng là cái lo lắng chính đáng của nhân viên. Do đó, trong quá trình truyền thông, tôi phải chia sẻ với anh em là thất nghiệp chỉ tạo ra khi mà chúng ta không có đơn hàng, khi mà kinh tế suy thoái mới thất nghiệp, chứ chuyển đổi số thì không bao giờ tạo thất nghiệp, mà nó chỉ chuyển đổi từ cách làm việc này sang mô hình làm việc khác.
Và nếu các bạn muốn làm việc theo cách để có hiệu quả tốt hơn, giúp công ty có nhiều đơn hàng hơn thì rõ ràng là cái bạn phải thích ứng với sự thay đổi đó.
Với cương vị là chủ doanh nghiệp, chúng ta phải chú ý đến công tác truyền thông, điều này rất quan trọng, chúng ta phải đánh trúng và tháo gỡ tâm lí cho nhân viên, nếu không chuyển đổi số, chúng ta sẽ bị lực cản từ chính những nhân viên thực thi.
Ngoài ra, cần lưu ý các doanh nghiệp khi chuyển đổi số phải thật bình tĩnh, tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần vấn đề này vì không muốn quá trình chuyển đổi bị gián đoạn, đặc biệt, phải đặt khách hàng là trọng tâm. Tất cả các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công, đầu tiên là phải "đánh" vào thị trường và trải nghiệm của khách hàng.
Chúng ta vẫn thường nghĩ, chuyển đổi số là quá trình các công ty tiến hành thay đổi mô hình kinh doanh sao cho phù hợp với thực tế thị trường mới. Song, điều thú vị là không phải các lãnh đạo công ty là người thúc đẩy doanh nghiệp của mình đến với sự thay đổi này, mà thay vào đó, sự thay đổi này được thúc đẩy dựa trên sự thay đổi trong thị hiếu của khách hàng.
"Ngày nay, khách hàng mong đợi các sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Sản phẩm này họ phải nhìn thấy được ở mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện mà họ có. Quá trình này là tiếng nói mở ra chiến lược chuyển đổi số ở tất cả các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải theo kịp khách hàng và phải nắm bắt công nghệ mới để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mà họ chưa từng có trước đây.