Sau màn nhảy dưới mưa gây sốt của Chủ tịch Trần Hùng Huy, cổ phiếu ACB ra sao?
(DNTO) - Lợi suất sinh lời của cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu được dự đoán khả năng sẽ cao và bền vững với mức giá có thể lên tới 32.750 đồng/cp, tương đương mức lợi suất 30%.
Tính đến hôm nay, diễn biến giá của ACB không mấy thuyết phục. Cổ phiếu này có tăng trong hai phiên ngày 6-7/6, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Tính trong 6 phiên giao dịch vừa qua, thị giá ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu đã mất tới 1,38%, trong khi đó chỉ số VN-Index lại tăng hơn 2,3%, giá trị thanh khoản khá tích cực trên toàn thị trường và nhóm ngân hàng cũng tăng trung bình 1,12% trong tuần.
Ảnh hưởng từ chia cổ tức
Điều khiến cổ phiếu ACB không còn hấp dẫn trong tuần qua là do ngày 2/6 đã là ngày đăng ký cuối cùng để doanh nghiệp thực hiện quyền trả cổ tức năm 2022. Được biết ACB chốt quyền trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu, tổng tỷ lệ 25%.
Cụ thể, tỷ lệ cổ tức bằng tiền là 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng) và tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu là 15% (tức 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu. Ngân hàng này sẽ phải chi hơn 3,3 ngàn tỷ đồng và phát hành hơn 500 triệu cổ phiếu để thực hiện.
Và theo dự kiến của doanh nghiệp, ngày hôm nay, ngày 12/6, chính là cổ đông sẽ được ngân hàng thanh toán tiền cổ tức. Theo đó, việc thị giá ACB giảm trong tuần qua là điều dễ hiểu.
Trong đêm Gala kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng ACB, Chủ tịch HĐQT của ACB, ông Trần Hùng Huy đã có màn biểu diễn ấn tượng với dưới mưa ngay trên sâu khấu. Vị Chủ tịch đã lọt top 1 bảng xếp hạng chủ đề âm nhạc hot nhất trên mạng xã hội trong 24 giờ sau sự kiện. Tên tuổi của ông thành chủ đề được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông, cùng đó là hiệu ứng lan toả tích cực cho thương hiệu Ngân hàng ACB.
Sau hôm nay, nếu theo đúng kế hoạch, vị chủ tịch này sẽ nhận được cổ tức là 17,4 triệu cổ phiếu ACB và gần 116 tỷ đồng tiền mặt.
Nhìn lại lịch sử, thị giá của ACB tăng khá chậm. Nếu so với thời điểm tháng 6/2022, hiện thị giá ACB chỉ tăng nhẹ 1,98%, riêng một tháng qua tăng 2,8%. Diễn biến này giống nhiều cổ phiếu ngân hàng khác khi nhóm ngành này đang đứng trước nhiều thách thức.
Lãi suất huy động đang được nhiều ngân hàng giảm, cùng đó lãi suất cho vay đứng trước áp lực điều chỉnh giảm mạnh hơn, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với việc NIM không được hưởng lợi. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng sẽ khó khăn hơn với nhà băng khi cầu vốn của nền kinh tế đang khá yếu. Cùng đó, rủi ro nợ xấu có thể khiến các nhà băng phải trích lậo dự phòng cao hơn.
Tháng 5, nhóm ngân hàng cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất.
Triển vọng nào cho ACB?
Quý 1 vừa qua, nhà băng này đã kinh doanh khá thành công khi lợi nhuận trước thuế tăng 25% so cùng cùng kỳ 2022 đạt hơn 5 ngàn tỷ đồng. Nếu so với mức hơn 20 ngàn tỷ đồng lãi trước thuế theo kế hoạch đặt ra, ACB đã thực hiện được 26% sau quý đầu tiên.
Trong khi đó, theo đánh giá từ BVSC, công ty này kỳ vọng ACB vẫn tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng tốt trong năm nay và dự báo lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 15 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia BVSC, ngân hàng ACB là một trong những nhà băng có chất lượng tài sản tốt, các khoản cho vay hầu hết đều có tài sản đảm bảo.
"Ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp, không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và tỷ trọng cho vay các công ty phát triển bất động sản ở mức thấp, nhờ đó tránh được rủi ro làn sóng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023", BVSC nhận định.
Theo đó, lợi suất sinh lời của ACB khả năng sẽ cao và bền vững với mức giá mục tiêu đưa ra là 32.750đồng/cp, tương đương mức lợi suất 30%.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý các yếu tố như sự suy giảm cầu tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động từ tình hình vĩ mô trong nước và ngoài nước vẫn còn nhiều bất ổn. Ngoài ra, "những động thái chấn chỉnh mảng banca từ cơ quan chức năng cũng có thể tác động tiêu cực đến tâm lý khách hàng và ảnh hưởng đến thu nhập từ mảng này", BVSC khuyến nghị.