Quảng bá phim: Tốn kém, tránh xa chiêu trò
(DNTO) - Phim ảnh hiện đã trở thành một hình thức giải trí hàng đầu của người Việt, nhất là phim chiếu rạp. Nhiều phim Việt có doanh thu cao hàng trăm tỷ, trong thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của công nghệ quảng bá phim được thực hiện ngày càng bài bản, tốn kém hàng tỷ đồng.
Những cuộc chạy đua tiền tỷ
Các nhà sản xuất phim ngày càng nhận ra vai trò của quảng bá trong việc kéo khán giả đến rạp, vì vậy, các dự án phim đã có những chiến lược PR rất chuyên nghiệp và chịu chi.
Đã qua thời quảng cáo phim chỉ đơn giản là một tấm băng rôn, những tấm poster thiết kế đơn giản, hiện nay, quảng bá phim trở thành một mặt trận tổng hợp tất cả những sức mạnh mà nhà phát hành có thể tận dụng để thu hút khán giả đến với phim của mình.
Về ngân sách chi cho quảng cáo, theo số liệu từ Forbes, một số bộ phim nước ngoài có tiền sản xuất chỉ bằng một phần chi phí quảng cáo, như các phim kinh dị kinh phí thấp Insidious 1 & 2 (Ma quái), Dark Skies (Bầu trời đen) hay The Purge (Sự thanh trừng), những phim này đều có chi phí sản xuất dưới 5 triệu USD, nhưng tiền chi cho marketing lên tới hơn 20 triệu USD.
Với các phim Việt, theo tiết lộ của giám đốc truyền thông một đơn vị sản xuất phim, các đoàn phim tuỳ theo nguồn kinh phí thực tế để điều chỉnh mức chi cho việc quảng bá phim. Tuy nhiên, ngay mức chi cơ bản cũng đã ngốn chi phí từ 2,5 - 3 tỷ đồng/phim.
Các phim ăn khách, trong quá trình công chiếu, nhà sản xuất đẩy tiếp các công đoạn quảng bá khiến kéo chi phí lên đến cả chục tỷ đồng. Các chiến dịch quảng bá cũng kéo dài hàng tháng, có khi hàng năm; ngay từ lúc phim bấm máy, khởi quay, những thông tin ban đầu về ekip diễn viên, những người nổi tiếng tham gia phim luôn được cập nhật liên tục để tạo sức hút.
Chiến dịch marketing sẽ được đẩy lên khi phim đang quay với những thông tin về hình ảnh hậu trường, phỏng vấn các diễn viên, liên tục được cập nhật trên các trang báo qua bài viết của đơn vị PR phim gửi đến. Khi phim hoàn thành, công chiếu, các đơn vị phát hành và sản xuất đẩy mạnh quá trình quảng bá thông qua các cuộc chi tiền hàng trăm triệu cho những cuộc họp báo, công chiếu phim với sự tham gia của hàng trăm người, không chỉ có các nhà báo mà còn là các KOL (người dẫn dắt dư luận), những người nổi tiếng trong giới. Các bài nhận định phim được tung ra với nhiều quan điểm khen, chê khác nhau tạo dư luận, thu hút khán giả cũng là cách tăng sự chú ý của công chúng.
Hiện tại, việc quảng bá phim không chỉ quan trọng ở các báo chính thống, trang mạng; các bài viết của KOL được các đơn vị sản xuất phim rất quan tâm. Có nhiều nhà sản xuất đã “đặt hàng” KOL review (đánh giá) phim với giá đến 50-60 triệu đồng/slot.
Song song đó, các chi tiết như đầu tư làm trailer, các bài hát trong phim OST (nhạc phim chính thức) đã được ý thức đầu tư ngay từ đầu với sự kỳ công chăm chút từ các chuyên gia. Để tạo sự tò mò cho khán giả, ekip marketing cố tình hé lộ nhiều chi tiết gây kịch tính, mục đích để người theo dõi tham gia thảo luận, tương tác, chia sẻ và những đoạn clip đó khi được lan truyền chắc chắn sẽ khiến lượng người biết đến phim tăng lên đáng kể. Những ca khúc chính của phim cũng được nhà sản xuất đặt hàng sáng tác, thực hiện MV với ưu tiên dành cho những nhạc sĩ và giọng ca đang được chú ý.
Chiêu trò phản cảm đã hết thời
Nhà sản xuất – đạo diễn Lý Hải cho biết, anh không bao giờ chủ trương sử dụng chiêu trò trong quảng bá phim, bởi “sống” 30 năm trong showbiz, anh đã hiểu thấu những hậu quả khó lường của nó. Khán giả bây giờ cũng rất tinh ý, họ nhanh chóng nhận ra những chiêu PR sử dụng chiêu trò như khai thác đời tư, scandal tình cảm, phim giả tình thật, chuyện giới tính… và càng bị tác dụng ngược.
Không ít trường hợp bị tẩy chay như phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con khi công khai chuyện phim giả tình thật của hai diễn viên Kiều Minh Tuấn và An Nguỵ, khiến nhiều khán giả phản ứng, doanh thu phim rơi vào tình trạng lỗ nặng; hay việc ekip tự "lu loa", tự công bố doanh thu khủng hàng trăm tỷ khi chưa được kiểm chứng.
Chúng tôi chỉ quảng bá những gì phim có, chứ không nói quá sự thật. Cái gì không có thì dứt khoát không nói, nhất là nói không với chiêu trò phản cảm. Đạo diễn Lý Hải
Có ekip còn thông tin phim quá hot đến nỗi sập mạng bán vé, rồi so sánh với các phim ngoại ăn khách như phim Chị chị em em cũng nhanh chóng bị bóc mẽ. Không ít phim lạm dụng việc lên tiếng kêu gọi khán giả giải cứu phim Việt, dù chất lượng không cao khiến người xem ngày càng thờ ơ, như các phim Yolo - bạn chỉ sống một lần, Thưa mẹ con đi, Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi và Ngốc ơi tuổi 17.
Mới đây, dư luận cũng đặt vấn đề về thực hư chuyện đạo diễn Nhất Trung đăng tải 3 bài viết bóc phốt diễn viên chính Nhã Phương mắc bệnh ngôi sao trong quá trình làm phim 1990 và ra mắt phim vào đúng thời điểm phim cần thu hút sự quan tâm của công chúng.
Không chỉ điện ảnh, bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào muốn đến được công chúng, nhà sản xuất cần thực hiện khâu quảng bá. Nhưng quảng bá thế nào để mang lại hiệu quả với công chúng là điều cần đặt ra một cách chuyên nghiệp. "Chúng tôi chỉ quảng bá những gì phim có, chứ không nói quá sự thật. Cái gì không có thì dứt khoát không nói, nhất là nói không với chiêu trò phản cảm" - đạo diễn Lý Hải cho biết.
Theo nhận định của giới phê bình điện ảnh, khán giả ngày nay ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng phim. Quảng bá phim là một khâu quan trọng cần được thể hiện chuyên nghiệp, không nên áp dụng chiêu trò gây tò mò cho khán giả. Phim không hay thì dù có quảng bá nhiều kiểu, khán giả phản hồi tiêu cực cũng sẽ bị thua lỗ. Chưa kể, hiện nay khán giả đã sử dụng quyền tẩy chay trên các phương tiện mạng xã hội; tạo nhiều group phản hồi khiến không những phim nhận cái kết đắng mà uy tín nhà sản xuất sẽ còn bị ảnh hưởng về sau.