'Ông già Noel' không ghé qua thị trường chứng khoán Mỹ
(DNTO) - Thị trường chứng khoán Mỹ không thể tận hưởng đợt tăng cuối năm “Santa rally” với tâm trạng phấn khởi, khi viễn cảnh đáng ngại của 2023 đang đến gần.
Các chỉ số chứng khoán tại Mỹ đã tăng nhẹ trong phiên giao dịch thứ Năm, 29/12 (giờ Mỹ), nhưng thị trường nơi đây vẫn đang trên đà kết thúc một năm tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng kinh tế 2008.
S&P 500 lên được 66.06 điểm, ngang bằng 1,7%, lên thành 3849.28, mức tăng cao nhất trong tháng này. Chỉ số tập trung ngành công nghệ, Nasdaq Composite tăng 264.80 điểm, tương đương 2,6%, đạt 10478.09. Dow Jones Industrial Average tăng 345.09 điểm (1%), chạm mức 33220.80. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã có một đợt giảm đồng loạt hôm thứ Tư trước đó.
Cổ phiếu tất cả các ngành đều đã tăng trong ngày, với 11 ngành thuộc S&P 500 tăng cùng lúc. Cổ phiếu công nghệ là một trong những hạng mục đi đầu, ngay cả những cổ phiếu vốn đang trên đà “lao dốc” trước đó cũng có sự hồi phục.
Một ví dụ điển hình là cổ phiếu Tesla, tăng giá trị $9.11, ngang bằng 8,1%, và đạt mức giá $121.82. Đây là một trong những cổ phiếu mất giá dữ dội nhất trong năm, nhưng cuối cùng cũng đã kết thúc chuỗi trượt giá trong các ngày trước đó. Cổ phiếu Tesla vẫn mất 65% giá trị trong năm nay. Cổ phiếu Apple, Alphabet và Meta đều sắp kết thúc năm tồi tệ nhất của họ nhưng vẫn có mức tăng hơn trung bình trong phiên giao dịch thứ Năm, tăng ít nhất 2,8%.
Tuy vậy, đợt tăng sau dịp Lễ Giáng Sinh, vốn được ví von là “Santa rally” (Đợt tăng của ông già Noel), chẳng qua vì vẫn còn khá nhiều nhà đầu tư đang nghỉ lễ, khiến dung lượng giao dịch thấp. Thị trường chứng khoán Mỹ đang dễ bị ảnh hưởng bởi những cuộc giao dịch ngoại cỡ. Và đợt tăng “Santa Rally” vẫn chưa hoàn toàn xuất hiện, chỉ số S&P 500 vẫn chỉ mới tăng 0,1% trong tuần này.
Chỉ còn một phiên giao dịch nữa là kết thúc năm 2022. Giới đầu tư Phố Wall sẽ phải chấp nhận hiện thực thảm hại của năm nay. Tính cả năm, chỉ số Dow, S&P 500 và Nasdaq đã đi xuống 8,6%, 19%, và 33%.
“Các nhà đầu tư đang rất cố gắng để kết thúc năm với một nốt nhạc phấn khởi, nhưng điều đó không thể lấp đi hiện thực”, Hans Olsen, Giám đốc đầu tư tại Fiduciary Trust Company, bình luận.
Olsen cho biết ông đang rất cẩn trọng để bắt đầu 2023, lo sợ mức lãi suất cho vay tăng cao sẽ chèn ép cổ phiếu trong các tháng tới.
Trong những ngày qua, các nhà đầu tư đã xem xét ảnh hưởng của việc chính quyền Trung Quốc thay đổi chính sách chống Covid-19. Ở một mặt, việc mở cửa trở lại cho khách vãng lai đi ra vào Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Nhưng ở mặt khác, các nhà đầu tư cũng lo ngại nhu cầu tăng cao sẽ làm tăng giá năng lượng và những mặt hàng liên quan, khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục đẩy lãi suất lên cao hơn nữa để chống lạm phát. Đó là chưa kể các ca nhiễm tràn lan tại Trung Quốc sẽ trở thành gánh nặng cho chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Những lo ngại này mang tới một cảm giác déjà vu, hoài niệm quen thuộc với những ngày dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành. Chính quyền Mỹ công bố họ sẽ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 âm tính cho khách đi đến từ Trung Quốc, kể từ 1/5.
Peter van Dooijeweert, chuyên gia đầu tư tài sản thuộc Man Solutions, cho biết các nhà đầu tư có vẻ như đang không muốn “đặt cược” lớn khi năm mới sắp bắt đầu.
“Hầu hết mọi người dự đoán quý đầu năm sau sẽ vô cùng khó khăn”, ông van Dooijeweert nói. “Chúng ta sẽ phải soi mói từng điểm dữ liệu”.
Các thông số kinh tế, lạm phát, thị trường việc làm đã là những động lực lớn của thị trường chứng khoán năm 2022, một xu hướng mà ông van Dooijeweert nghĩ rằng sẽ tiếp tục trong năm 2023.
Trong thị trường năng lượng, chỉ số dầu quốc tế Brent rớt 1,2%, đang giao dịch ở mức $82.26/ thùng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, kỳ hạn 10 năm, giảm xuống còn 3.833%.
Tỷ giá đồng đô la có chiều hướng giảm, với nhiều chuyên gia tin rằng sức mạnh của đồng đô la đã đạt mức đỉnh điểm. Tuy nhiên, dự đoán đồng tiền “Xanh” này vẫn sẽ đạt mức tăng hàng năm kỷ lục kể từ 2014.
Chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu tăng 0,7%. Các chỉ số chứng khoán chủ đạo của châu Á đều đã kết thúc phiên giao dịch với mức giảm. Hàn Quốc, chỉ số Kospi đi xuống 1,9%. Nhật Bản, Nikkei 225 trượt 0,9%. Tại Hồng Kông, Hang Seng mất 0,8% và chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc xuống 0,4%.