Nuôi tham vọng để thành công. Bài 1: 'Chuột vẫn có thể thắng voi'
(DNTO) - Giữ gìn và phát triển thương hiệu là câu chuyện dài, chắc chắn nhiều sóng gió với mỗi doanh nghiệp, có thể là vinh nhưng cũng khó tránh bại.
Hơn 50 năm qua, trong nền kinh tế Việt, khi có những tên tuổi đang chết mòn hoặc nằm trong tay một ông lớn nào đó, thì vẫn có doanh nghiệp kiên trì giữ gìn thương hiệu, cần mẫn chăm bón, gieo hạt, chờ vườn cây của mình đơm hoa kết trái.
Trên hành trình gian nan ấy, không thể không nhắc đến vai trò đặc biệt của người đứng đầu - những người có thời điểm phải lựa chọn, đưa ra các quyết sách sinh tử với thương hiệu và vững vàng lèo lái đưa doanh nghiệp đi qua gian khó.
Chẳng ai ngờ Facebook, ra đời trong một căn phòng ký túc xá tại Đại học Harvard, lại trở thành công ty có vốn hoá lên tới hơn 1.000 tỷ đô la Mỹ. Hay hãng điện thoại Iphone, gã khổng lồ trong ngành công nghệ, khi vừa ra mắt sản phẩm đầu tiên đã dính kiện cáo, thậm chí phải đền tiền cho khách hàng.
Khó khăn đôi khi là điểm tựa của thành công. Chúng ta có quyền kỳ vọng các thương Việt sẽ đi xa hơn nữa.
“CHUỘT VẪN CÓ THỂ THẮNG VOI”
Đó là cách ví von của người đứng đầu Công ty TNHH Mỹ phẩm Lan Hảo - Thorakao, ông Huỳnh Kỳ Trân, trong câu chuyện về hành trình bền bỉ giữ gìn thương hiệu. Con chuột nhỏ nhưng lanh lợi, hoạt bát, như cách Thorakao nhanh nhạy tìm cách thích nghi, vừa nuôi sống tốt nhân công của mình vừa giữ Thorakao trường tồn trước nhiều đối thủ mạnh trên thị trường mỹ phẩm.
Kiêu hãnh từ chối các thương hiệu lớn
“Không có ngành các anh thì đất nước vẫn phát triển”, câu nói của một vị lãnh đạo từ rất nhiều năm về trước từng khiến ông Huỳnh Kỳ Trân chạnh lòng và không bao giờ quên được. Nhưng ông nói, khó trách họ, bởi khi ấy, đất nước đang trong giai đoạn khó khăn, kiếm miếng cơm manh áo còn khó, mấy ai quan tâm chuyện làm đẹp, thoa kem, xức nước hoa.
“Nhưng tôi có một cái đầu đặc biệt”, người đứng đầu Thorakao khẳng định, một cái đầu có chất xám trị giá hàng tỷ đô la Mỹ cùng đó là quyết tâm mãnh liệt “giữ gìn thương hiệu như giữ con ngươi trong mắt mình”. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng đưa Thorakao phát triển.
Từ những năm 60, sản phẩm của Thorakao đã được ưa chuộng rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang các nước như Lào hay Campuchia. Đầu thập niên 1990 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất khi doanh nghiệp không chỉ “làm mưa làm gió” tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên sau đó, theo sự đổi thay của nền kinh tế đất nước, thương hiệu “vang bóng” một thời cũng đối mặt với nhiều thách thức.
“Có những giới hạn khiến nhiều thương hiệu cũng mai một”, người đứng đầu Thorakao chia sẻ.
Nền kinh tế mở cửa, các ông lớn mỹ phẩm nước ngoài nhiều tiền xuất hiện. Họ được chọn quảng cáo giờ vàng nên sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Doanh nghiệp trong nước như Thorakao, vốn liếng ít hơn, không nhiều ưu đãi, nhận thấy nếu có quảng cáo cũng khó như mong đợi nên đành ngậm ngùi lùi lại. “Trên đời này, nếu làm điều gì không hiệu quả thì đừng làm”, ông Trân nhớ lại những ngày tháng gian khó.
Đã thế, nhận thấy sự đa dạng sản phẩm từ các nguyên liệu thiên nhiên phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam, các công ty lớn nước ngoài cũng không ngừng nhăm nhe nhòm ngó thương hiệu. Nhiều công ty tên tuổi trong nước lần lượt bị thâu tóm. Thorakao chỉ cần gật đầu cũng sẽ có hơn 50 triệu đô la Mỹ, một số tiền không hề nhỏ lúc bấy giờ.
Từng có một doanh nghiệp rất giàu có kinh doanh trong lĩnh vực truyền tiêu (không thông qua cửa hàng bán lẻ - PV) của Thái Lan đề nghị doanh nghiệp gia công hàng của họ mang thương hiệu Thorakao. “Họ nói đây là thuốc “cải lão hoàn đồng”, uống vào có lợi cho sức khoẻ và trẻ đẹp. Tuy nhiên mình trong nghề, biết ngay là lừa đảo”, ông Trân kể lại.
Thực ra, họ đã dùng một chất xúc tác để tạo phản ứng hoá học khiến nhiều người lầm tưởng rồi bán mỗi lọ có giá tới 120 USD, trong khi sản phẩm Thorakao thời điểm ấy chỉ tầm vài đô la Mỹ.
Tiếp đãi họ trọng thị nhưng người đứng đầu doanh nghiệp khéo léo chối từ.
“Thương hiệu là cách để tôi dạy con cháu làm ăn, căn cứ vào đó để phát triển về kiến thức và kỹ năng sống. Giá trị vô hình của Thorakao là chất xám, từ đó chúng tôi làm việc thì Thorakao sẽ có không chỉ hàng chục triệu mà hàng tỷ đô la Mỹ sau này. Liệu mấy anh có trả nổi không? Chắc chắn là không nổi rồi, vì vậy tôi không bao giờ bán thương hiệu”, ông Trân khẳng định.
Chiến lược đa dạng sản phẩm, bán với giá rẻ
Ở thế đấu đầu voi, không còn cách nào khác, muốn chiến thắng, chuột phải nhanh nhạy tìm ra và phát huy thế mạnh của mình.
“Thorakao lấy kiến thức sáng tạo làm bảo hộ cho thương hiệu”, ông Huỳnh Kỳ Trân nhấn mạnh.
Theo đó, công ty đã nghiên cứu và chế tạo thành công hơn 100 sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên từ các loại cây lá trong nước; chọn những mặt hàng chưa có trên thị trường để sản xuất như kem trị khô môi, nứt gót, ngừa nám, dầu gội giảm rụng tóc, giảm gàu... Thời gian một ngày của ông Trân là trong phòng thí nghiệm nhiều hơn ở với gia đình.
Ngoài đa dạng sản phẩm, doanh nghiệp còn xác định lấy công làm lời, tận dụng lợi thế giá rẻ để xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh thị phần tiêu thụ trong nước.
“Thorakao không phải không thích đi theo xu thế cao cấp nhưng đi vậy là bỏ khách hàng trong nước. Tôi muốn bán Thorakao có chất lượng tốt rẻ để công nhân, nông dân được “xài”. Với tôi, đủ sống là được, làm phước thì mình thấy vui, tâm sáng nghĩ được nhiều việc hơn”, ông tâm sự.
Ngoài ra, Thorakao cũng đang thực hiện các công trình nghiên cứu và đã có thành công nhằm chuẩn bị cho ra đời các sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh từ các loại thảo dược.
Chia sẻ về kinh nghiệm giữ gìn thương hiệu, ông Trân đặc biệt nhấn mạnh sự nhanh nhạy và vấn đề đạo đức của doanh nghiệp. “Mất chữ Tín là mất tất cả trong kinh doanh. Ngoài ra, việc chuẩn bị sẵn nguồn lực tài chính cũng giúp doanh nghiệp thích nghi tốt hơn với tình hình mới”, ông chủ của Thorakao cho biết.
Đi qua hơn 60 năm, Thorakao vẫn bền bỉ và kiên trì tiến về phía trước, như nhiệt huyết cháy bỏng chưa bao giờ phai nhạt trong tâm người đứng đầu.
Về những dự định ở giai đoạn sắp tới, người đứng đầu Thorakao chia sẻ, doanh nghiệp dự định sẽ phát triển sản phẩm theo hai chuỗi: chuỗi truyền thống - tập trung cho nhu cầu trong nước và chuỗi hiện đại - phục vụ xuất khẩu, giá thành sẽ cao hơn do yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Nền kinh tế thế giới hiện đối diện nhiều khó khăn, nên đây sẽ là chiến lược dài hơi của doanh nghiệp.