3

“Bản thân cây dừa đã có một sự khác biệt. Từ cùi, nước cho đến mầm dừa đều chứa những dưỡng chất thiên nhiên đặc biệt cho làn da, mái tóc. Tôi muốn mọi người nhìn nhận lại giá trị của cây dừa”, chị Đinh Thị Hạnh Tâm, nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Coboté cho biết.

Sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, mảnh đất luôn đầy ắp những vườn dừa xanh tươi, chị Hạnh Tâm mang trong mình tình yêu bất tận với loài cây đặc biệt này.

Từng là du học sinh tại Pháp rồi trở về quê hương làm việc cho các tập đoàn lớn, nhưng trong lòng chị luôn ấp ủ mong mỏi được làm một điều gì đó thật đặc biệt cho loại cây yêu thương, thấm đẫm sự ngọt bùi và thanh mát đến vô tận.

“Tôi từng rơi nước mắt khi phải chứng kiến cảnh một số lượng lớn dừa bị bỏ uổng, mọc mầm, không xuất bán được. Ngành chế biến trong nước thời điểm đó mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm thô truyền thống như kẹo dừa hay cơm dừa sấy khô. Trong khi đó, vào khoảng thời gian học ở Pháp, tôi được biết tại các siêu thị ở châu Âu, phần lớn nước cốt dừa Thái Lan đều là “Made in Vietnam”- sản xuất tại Việt Nam. Thực tế trên khiến tôi trăn trở vô cùng”, chị Hạnh Tâm tâm sự.

8

Trong quá trình làm việc, với đam mê nghiên cứu khám phá, lại có điều kiện được tiếp xúc với các tài liệu khoa học, chị đi sâu tìm hiểu về giá trị của cây dừa và bản thân chị thực sự bất ngờ trước những điều nhận được. Loại cây mộc mạc trên quê hương chị lại mang giá trị đặc biệt trong việc làm đẹp, chăm sóc sức khỏe cá nhân mà hiếm loài cây nào có được.

Thời điểm hơn 5 năm về trước, sản phẩm làm đẹp từ dừa trong nước mới chỉ dừng ở sản xuất tinh chất dầu dừa với các thương hiệu nhỏ lẻ. Trên thế giới, các sản phẩm làm đẹp liên quan đến dừa khá đa dạng nhưng chủ yếu dùng yếu tố dừa như một thông điệp marketing hơn là giá trị thực sự của nó trong sản phẩm.

"Bản thân cây dừa đã có một sự khác biệt. Từ cùi, nước cho đến mầm dừa đều chứa những dưỡng chất thiên nhiên đặc biệt cho làn da, mái tóc. Tôi muốn mọi người nhìn nhận lại giá trị của cây dừa. Tôi muốn cây dừa Việt Nam phải hiện diện trong những sản phẩm hữu ích và có giá trị thực sự với người tiêu dùng”, suy nghĩ đó đã nung nấu trong chị, là hành trang cùng chị viết tiếp một chương mới của cuộc đời.

4

Từ bỏ tất cả công việc, năm 2017, chị Hạnh Tâm thành lập công ty riêng chuyên tâm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chăm sóc cá nhân ứng dụng giá trị từ cây dừa, như son dưỡng hay xà phòng. Đầu năm 2018, nhãn hàng Coboté của chị chính thức ra đời.

Từ phát triển phòng nghiên cứu đến mở xưởng sản xuất, tìm nguồn nguyên liệu, kết nối khách hàng… khó khăn không phải là ít với chị.

"Nghĩ dễ làm khó. Một mặt phải đủ hiểu về nguyên liệu, mặt khác phải nắm rõ các kiến thức da liễu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng đối với vấn để chăm sóc da, tóc. Phải liên kết được hai mảng này với nhau mới tạo ra được sản phẩm thực sự hữu dụng. Đó là một hành trình dài", nữ CEO của Coboté tâm sự.

Trải qua quá trình tự mày mò, nghiên cứu, vừa làm vừa lắng nghe phản hồi của khách hàng, dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, Coboté đã lần lượt cho ra đời 19 sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, gồm các loại xà bông, dưỡng và làm sạch da, dưỡng tóc…

Theo chị Hạnh Tâm, may mắn là khách hàng hiện nay đã có những hiểu biết nhất định về sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, họ quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm mang tính địa phương và có tính bền vững, nên đã sẵn lòng cho Coboté cơ hội để trải nghiệm sản phẩm. Thành công đến với Coboté cũng bắt đầu từ đó.

“Điều đó không có nghĩa là Coboté có đột phá mà do dừa đã là rất tốt nhưng giá trị của nó từ trước đến nay chưa được mọi người nhìn nhận”, chị Tâm khiêm tốn nói.

4

Ngoài các kênh phân phối trên các sàn thương mại điện tử được Công ty Vfarm của chị Hạnh Tâm sử dụng ngay từ những ngày đầu thành lập, cách đây ít lâu, công ty đã ra mắt cửa hàng giới thiệu sản phẩm đầu tiên tại Bến Tre.

Điều đặc biệt ở gian hàng, khách hàng có thể mang các vỏ sản phẩm Coboté đã sử dụng hết đến để tiếp tục được mua sản phẩm với giá cả hợp lý, đồng thời tránh việc xả rác thải các loại vỏ, bao bì đã qua sử dụng ra môi trường.

“Với chị em, các chai, lọ mỹ phẩm sau khi đã dùng hết vô cùng nhiều. Nhiều chai lọ ấy đôi khi còn rất đẹp, nhưng điều đặc biệt làm tôi lo lắng là nó có thể gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường”, chị Tâm chia sẻ.

Mô hình tái sử dụng bao bì sản phẩm được chị dự định sẽ duy trì cùng hành trình phát triển của thương hiệu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chất lượng mẫu mã, bao bì cần được đầu tư bài bản hơn để đảm bảo độ bền và sự an toàn cho sản phẩm là bài toán được Coboté tính toán đến. Đó cũng là định hướng để Coboté đưa sản phẩm ra quốc tế khi nhiều người nước ngoài có xu hướng chuộng sản phẩm nhập khẩu.

“Nhiều người nói sản phẩm của địa phương mà sao bao bì nhãn hiệu toàn tiếng Tây không? Theo tôi, vấn đề là sản phẩm của địa phương thì mình phải có cái gì hay mang ra giới thiệu chứ? Sản phẩm phải đẹp, phải thể hiện được tính chuyên nghiệp, tính khoa học, tính kinh tế... mới là quan trọng nhất”, chị thổ lộ.

5

Xuất thân là một người làm kỹ thuật nên khó khăn nhất với chị Hạnh Tâm là làm sao hiểu được thị trường, nắm được tâm lý khách hàng chăm lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Trong khi đó, theo chị Tâm, “Các sản phẩm làm đẹp phần lớn lại được bán dựa vào cảm xúc nhiều hơn, đòi hỏi nhiều chi phí “phù phiếm” như makerting, tạo cảm xúc, và đó lại là thế yếu của công ty ở giai đoạn đầu”.

Tuy nhiên, Coboté xác định hướng đi của mình là ở “mẻ nhỏ”.

“Mình nhỏ xíu trong một cái ao quá lớn nên sẽ bơi ở nơi cá mập không bơi đến”, người đứng đầu Coboté giãi lòng.

Chị lạc quan cho biết, “khó khăn luôn có nhưng tôi sẵn sàng đón nhận, luôn đối diện nên rất lạc quan, cởi mở. Cuộc đời không thể lúc nào cũng suôn sẻ. Nếu Jeju Hàn quốc có Innisfree,Pháp có Biotherm, Việt Nam biết đâu lại có Coboté. Một người chết đi nhưng thương hiệu họ để lại sẽ còn mãi cho thế hệ sau”.

1

Nói về dự định năm nay, chị Hạnh Tâm cho biết, chị mong  làm sao Vfarm có thể tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân trên quê hương chị, đồng thời có thể tăng thu nhập cho người lao động trong doanh nghiệp khi giá cả các mặt hàng đang có xu hướng tăng cao hơn thời gian trước. Và quan trọng, những sản phẩm mang giá trị đích thực từ cây dừa sẽ có cơ hội đến với nhiều khách hàng hơn nữa.

Hoàng Yến