Nước mắm truyền thống phải làm gì để vươn xa?
(DNTO) - Như Doanh Nhân Trẻ Việt Nam đã thông tin, ngày 27/10 vừa qua, có đến 2 hiệp hội nước mắm được thành lập với nhiều sự tương đồng trong mục tiêu phát triển. Với tên gọi na ná nhau: Hiệp hội nước mắm Việt Nam và Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam, đã khiến nhiều người không khỏi nhầm lẫn.
Sẽ có bộ nhận diện thương hiệu cho nước mắm truyền thống
TS. Trần Thị Dung, chuyên gia về nước mắm và thủy sản, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam, cho rằng, điểm khác biệt của hiệp hội này nằm ở 2 chữ "truyền thống". Thành viên của Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam là doanh nghiệp sản xuất nước mắm theo cách truyền thống từ muối và cá, không gia giảm hương liệu, màu thực phẩm hay các thành phần khác.
Cũng theo bà Dung, Việt Nam đang là quốc gia sản xuất nước mắm truyền thống hàng đầu thế giới, với công suất 170-180 triệu lít mỗi năm. Tuy nhiên, nước mắm truyền thống hiện chỉ chiếm 30% thị phần tại Việt Nam và khó vươn xa trên thị trường thế giới.
Bà Dung cũng băn khoăn về tiêu chuẩn Việt Nam cho nước mắm hiện nay, theo bà là đang “gò" nước mắm truyền thống, như đánh đồng về tiêu chuẩn axitamin/nitơ tổng số, là chỉ tiêu đánh giá độ chín của nước mắm. Khi chỉ tiêu này bị hạ như hiện nay thì các nhà sản xuất nước mắm không theo truyền thống có thể thủy phân các loại đạm khác mà không phải đạm cá để bổ sung vào nước mắm.
Ngoài ra, hiện nước mắm truyền thống cũng gặp một số rào cản khi xuất khẩu ra thị trường thế giới. Cụ thể, để xuất khẩu được, nước mắm truyền thống phải vượt qua rào cản về hàm lượng histamine. Nhưng hiện nay hàm lượng này dao động khoảng 400 đến 700-800 ppm.
Các chuyên gia cho biết, đã là nước mắm truyền thống, làm bằng cá có đạm, mà đạm càng cao thì lượng histamine càng vượt ngưỡng 400ppm/lít. Vì thế, việc đưa 400ppm vào quy chuẩn quốc gia về nước mắm thì nước mắm truyền thống sẽ gặp khó trong xuất khẩu, bởi nước mắm truyền thống cao đạm. Và đây là rào cản lớn nhất khiến nước mắm truyền thống Việt Nam chưa vươn xa.
Bà Dung nhấn mạnh, để nước mắm truyền thống Việt Nam vươn ra xa thị trường thế giới, việc đầu tiên là phải củng cố lại hệ thống sản xuất nước mắm truyền thống, loại bỏ nhược điểm và áp dụng tiến bộ để đảm bảo chất lượng nước mắm truyền thống. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là giữ lại giá trị gốc của nước mắm truyền thống. Thứ hai là quảng bá sản phẩm, và đây được coi là một nhiệm vụ trọng tâm.
Đặc biệt bà Dung cho hay, Hiệp hội đang xây dựng bộ logo nhận diện cho nước mắm truyền thống. “Chúng tôi đang đi theo hướng xây dựng nhãn hiệu sạch với bộ nhận diện, và bộ nhận diện này sẽ đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn là nước mắm truyền thống thì mới được mang bộ nhận diện này.
“Khó khăn phía trước còn nhiều, nhưng những người làm nước mắm truyền thống quyết bảo vệ nghề, mang lại cho dân Việt những giọt nước mắm không phẩm màu, không hương nhân tạo, không chất bảo quản…”, bà Dung nói.
Hy vọng nước mắm truyền thống sẽ quay trở lại thời kỳ hoàng kim
Ở góc độ là doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống, ông Trần Ngọc Dũng, Bảo tàng nước mắm Làng Chài, Phan Thiết, chia sẻ, ông cũng như bao doanh nghiệp khác mong chờ sự kiện ra mắt Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam từ rất lâu. Đây là sự chính danh cho những người hoạt động, sản xuất ra nước mắm truyền thống Việt. Đồng thời đây là một cú hích về nhận thức cho người tiêu dùng, để họ có thể phân biệt được đâu là nước mắm truyền thống và không phải truyền thống.
“Từ bước đầu tiên này, tôi hy vọng sẽ có bước quan trọng hơn nữa. Ví dụ cùng nhau xây dựng bộ tiêu chuẩn thế nào là nước mắm truyền thống. Thứ hai, phân biệt những điểm bán và kênh bán, phân biệt đâu là nước mắm truyền thống, gốc của nước mắm truyền thống trong các kênh phân phối. Chưa kể những chuyện xa hơn như chuẩn trong xuất khẩu CODEX cho nước mắm truyền thống (hiện tiêu chuẩn CODEX chỉ dành cho nước mắm công nghiệp). Với việc thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống sẽ là tiền đề cho việc cấp thiết xây dựng bộ quy chuẩn và quay trở lại thời kỳ hoàng kim giống như rượu vang hay kem Ý ở những nước châu Âu, Úc, Pháp”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm, đã có lúc nghề nước mắm truyền thống gặp khó, sản lượng chỉ còn trên 20%/tổng sản lượng tiêu thụ nước mắm nói chung, nhưng 3-4 năm nay người tiêu dùng đã dần lựa chọn nước mắm truyền thống nhiều hơn và sản lượng đã lên được 30%/tổng sản lượng thị trường.
Ông Dũng cũng cho rằng nhiều người e ngại nước mắm truyền thống giá cao, khó tiếp cận, nhưng thực tế nước mắm truyền thống có độ đạm vừa phải cũng có giá tương tự nước mắm pha chế, có thể tiếp cận thị trường rộng rãi.
Hiệp hội nước mắm Truyền thống Việt Nam hiện có 117 hội viên, 87,2% là hội viên doanh nghiệp đến từ 20 tỉnh thành. Mục tiêu của hiệp hội là đoàn kết các đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống để tạo tiếng nói chung, cùng hỗ trợ nhau quảng bá thương hiệu và khai thác thị trường xuất khẩu.
Hiệp hội đề ra tiêu chí công nhận hội viên để đảm bảo tính "truyền thống" như độ đạm tối thiểu, khung giới hạn các chất điều vị được phép sử dụng. Những làng nghề nước mắm của Việt Nam từ Nam ra Bắc với nhiều công thức ủ chượp và chưng cất cho ra những loại nước mắm khác nhau.
Nhiều thành viên trong hiệp hội đã thành công đưa nước mắm truyền thống lên Amazon và siêu thị ở nhiều quốc gia. Công nghệ hiện đại cũng được áp dụng trong nhiều xưởng sản xuất nước mắm là thành viên của hiệp hội.