Nữ CEO 36 tuổi của Kienlongbank và mục tiêu lợi nhuận tăng 500% so với năm ngoái
(DNTO) - Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, mã chứng khoán KLB) vừa có thông báo về việc bà Trần Thị Thu Hằng, sẽ thôi vị trí cũ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) để nắm giữ vị trí mới: Chủ tịch HĐQT Kienlongbank, từ ngày 26/5.
Chức danh mới của bà Trần Thị Thu Hằng dường như đã nằm trong sự đồn đoán của nhiều người, khi tên tuổi của bà trước đó đã được nhiều người nhắc đến khi nói về Kienlongbank thời gian qua.
Cùng nhìn lại con đường của bà Hằng tại Kienlongbank. Từ ngày 28/1/2021 vừa qua đến ngày 31/1, bà Hằng trở thành thành viên HĐQT của ngân hàng này. Ngay sau đó ngày 1/2/2021, bà được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022 và đảm nhận vị trí này cho đến thời điểm này. Hôm qua, ngày 4/5, Kienlongbank chính thức ra quyết định công bố việc bà Trần Thị Thu Hằng trở thành Chủ tịch HĐQT, thời gian bắt đầu từ ngày 26/5.
Người tiền nhiệm, ông Lê Hồng Phương sẽ thôi giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kể từ 3/5. Ông Phương cũng đã có đơn từ nhiệm chức danh HĐQT từ ngày 3/5. HĐQT sẽ thông qua đơn từ nhiệm của ông tại đại hội cổ đông gần nhất.
Được biết, bà Trần Thị Thu Hằng sinh năm 1985, quê tại Thái Nguyên, là Thạc sỹ khoa Tài chính ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư SIPT, Tổng giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Sunshine.
Trước đó, bà đã có thời gian dài từng kinh qua nhiều vị trí khác nhau tại Tập đoàn Sunshine Group, như Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunshine International Property Technology; Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sunshine Homes; Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Sunshine Tech; Phó Tổng giám đốc Đầu tư quốc tế và IPO Công ty CP Tập đoàn Sunshine; Giám đốc Công ty CP Sunshine AM, Giám đốc Công ty CP Sunshine Sky Villa.
Theo nhiều nguồn tin cho biết, trước khi về Sunshine Group vào tháng 3/2019, bà Hằng có hơn 10 năm làm việc tại MB, LienVietPostBank, MSB.
Hiện tại số cổ phần bà nắm giữ tại Kienlongbank là hơn 15 triệu cổ phiếu, chiếm 4,75% vốn điều lệ. Sự hiện diện của bà Hằng trong một vị trí chức danh mới đầy quyền lực khiến nhiều người đặt nhiều kỳ vọng cho ngân hàng này trong thời gian tới.
Kienlongbank đã có một quý 1 kinh doanh đầy thành công, khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 524 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2020, con số này chỉ là hơn 45 tỷ đồng, có nghĩa tăng 1.051% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng tài sản tăng 8% từ 57.218 tỷ lên 61. 942 tỷ. Nợ xấu giảm trông thấy, tính đến ngày 31/3 vừa qua là 1,19%, giảm 3,22% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Theo ban lãnh đạo ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng mạnh trong quý I là việc "ngân hàng đã xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB theo phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt".
Trong năm nay, ngân hàng đạt mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, có nghĩa tăng 500% so với năm 2020. Tuy nhiên khả năng đặt được kế hoạch này là rất cao khi ngay quý 1, ngân hàng đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch đề ra. Ngoài ra, Kienlongbank còn đặt mục tiêu đưa tổng tài sản tăng 16%, dư nợ tín dụng tăng 28%, vốn điều lệ tăng 12% so với năm ngoái.
Ngày 29/4 vừa qua, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, tên gọi bổ sung KSBank của ngân hàng đã được nhất trí thông qua và sẽ trở thành tên chính thức của Kienlongbank sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.